Mỗi người dân là một đại sứ du lịch

Du khách nước ngoài đến Huế trải nghiệm mua sắm, nhưng tin đồn “chặt chém” giá cà phê gây tranh cãi. Chợ Đông Ba cải thiện niêm yết giá, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của cộng đồng để phát triển du lịch thân thiện và hấp dẫn.


Du khách nước ngoài đến Huế trải nghiệm mua sắm

Khi “tin xấu” lan truyền

Mới đây, một số bài viết trong một fanpage mạng xã hội facebook review về du lịch Huế đăng tải phản ánh của du khách về việc bị chặt chém ở một quán nước mía với giá 60.000 đồng cho 2 ly. Người đăng tải bày tỏ sự bức xúc với việc này và nhận được sự tranh cãi trái chiều từ cộng đồng mạng. Mặc dù thông tin chưa được xác minh, nhiều ý kiến đã được bày tỏ dưới phần bình luận. Một số người còn dùng những từ ngữ gay gắt và so sánh với các địa phương khác.

Chợ Đông Ba ngày càng làm tốt khâu niêm yết, bán đúng giá

Khi sự việc xảy ra, khách thường không phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng, mà đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội. Dù lực lượng chức năng sau khi nắm tình hình nhanh chóng vào cuộc xử lý, nhưng chính những bình luận của cộng đồng mạng lại đẩy vụ việc đi xa. Đọc bình luận ở nhiều vụ việc khách phản ánh nạn “chặt chém” về giá gần đây, không chỉ riêng ở Huế mà còn ở một số địa phương khác, thông thường có 2 luồng ý kiến, bênh vực và chê bai. Có người phân tích thấu đáo vụ việc, nhưng cũng rất nhiều người hùa theo với những từ ngữ thiếu tế nhị. Đây là vấn đề gây ảnh hưởng rất xấu cho không chỉ du lịch mỗi địa phương, mà còn là hình ảnh của du lịch quốc gia, khi du khách thường có thói quen tìm các trang mạng review. Họ không chỉ xem các đánh giá về cảnh quan mà còn để ý về văn hóa, ứng xử và sự thân thiện của con người. Đại sứ du lịch từ… không gian mạng Nạn “chặt chém” còn tiếp diễn, vai trò và sự quyết liệt của các cấp, ngành, lực lượng chức năng càng phải lớn hơn. Cùng với những chế tài xử phạt đủ sức răn đe, còn cần nhiều giải pháp tuyên truyền, thay đổi nhận thức. Việt Nam nói chung, Huế nói riêng luôn mong muốn mỗi người dân là một đại sứ du lịch, góp phần định vị thương hiệu và quảng bá về một Việt Nam xinh đẹp, an toàn, thân thiện, hiếu khách và hấp dẫn. Trong thời đại toàn cầu hóa thông tin với các trang mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok… phát triển mạnh mẽ, việc quảng bá du lịch qua ứng dụng mạng xã hội cũng trở nên phổ biến và tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi. Thực tế, với trách nhiệm và tình yêu quê hương, nhiều người đã sáng tạo ra các video ngắn, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh về du lịch Việt Nam với đa trải nghiệm thú vị, hấp dẫn. Theo các chuyên gia, mỗi người dân là một đại sứ du lịch, không hẳn bằng những công việc lớn lao mà chính sự thân thiện, hiếu khách, từ việc chỉ đường, mời khách ly nước, hỗ trợ khách khi họ cần đã là một sự đóng góp rất lớn. Trên không gian mạng, họ có thể là một đại sứ du lịch từ những cách quảng bá, góp ý chân thành cho du lịch địa phương, dùng những ngôn từ chuẩn mực để ứng xử phù hợp cũng tạo thiện cảm với du khách. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ số, việc khách du lịch ngồi nhà mở mạng internet lựa chọn điểm đến, tour hành trình, rồi đặt vé máy bay, khách sạn… cho chuyến đi của mình hay gia đình, nhóm đã trở thành phổ biến. Đáp ứng nhu cầu của du khách, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cần tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quảng bá du lịch và các dịch vụ. Mặt khác, cần kịp thời nắm bắt, vào cuộc tìm hiểu, xử lý nhanh những vụ việc mà du khách phản ánh để tránh gây ra dư luận xấu. Bên cạnh đó, các đơn vị, trường học cần tiếp tục có giải pháp để giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, đặc biệt là với giới trẻ. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chính quyền địa phương và ngành du lịch rất trăn trở về những tồn tại trong ngành du lịch và luôn tìm nhiều giải pháp khắc phục để khẳng định Huế là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và những người làm dịch vụ – du lịch thì ngành du lịch, công an, các đơn vị liên quan và nhất là chính quyền địa phương cần tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa phục vụ khách du lịch; theo dõi thông tin phản ánh các vụ việc trên Hue-S, đường dây nóng và diễn đàn mạng xã hội để chủ động phát hiện, xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Cố đô.

Nguồn thông tin được tham khảo từ: baothuathienhue
Nội dung được biên tập, sáng tạo thêm bởi: thuathienhue_org

About Nhóm biên tập Thừa Thiên Huế

Check Also

Du lịch làng nghề hấp dẫn du khách

Làng nghề hương trầm Thủy Xuân, Huế, là điểm mua sắm hàng lưu niệm, du …