Mở cửa nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch

Các cơ quan chức năng huyện Phong Điền hướng dẫn các hàng quán về các biện pháp phòng, chống dịch khi hoạt động trở lại

Lên phương án hoạt động trở lại

Vừa dọn dẹp, sửa chữa lại hàng quán để chuẩn bị mở cửa trở lại, chị Đào Thị Thủy, chủ quán cơm Trung Thủy, thôn Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền chia sẻ, trước đây, khách hàng chính của quán là các xe tải, xe khách và hành khách đường dài. Dịch bệnh diễn biến phức tạp gần hai năm qua, quán cơm nhà chị mở rồi lại đóng không dưới 5 lần. Thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào quán cơm, nên khi có thông báo được phép mở trở lại, gia đình chị lên phương án sửa quán và lắp đặt thêm một số hạng mục, phân bổ lại vị trí trong quán hợp lý hơn để đảm bảo an toàn khi đón khách.

Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ quán cơm Hà Trợ cũng tất bật chuẩn bị để mở cửa phục vụ khách trở lại. Theo chị Hà, dẫu vẫn biết nguy cơ về dịch bệnh khi phục vụ khách là rất lớn, song hiện tại đã chuyển sang trạng thái kinh doanh thích ứng, quan trọng là tâm lý và thực hiện theo đúng các hướng dẫn phòng, chống dịch của cơ quan chức năng. Cả gia đình đều đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin nên phần nào yên tâm hơn khi mở cửa đón khách.

Ông Thái Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền cho biết, qua nắm số lượng hàng quán dọc tuyến Quốc lộ 1A ở địa bàn thị trấn, chỉ có khoảng 15% cơ sở đã mở cửa, còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị. Những ngày qua, UBND thị trấn đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 các quán đã mở và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo đúng các hướng dẫn. Đồng thời, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, chủ động nắm bắt tình hình để hướng dẫn, thông tin đến các hàng quán các diễn biến và các điều chỉnh nếu có. Dịch vụ là lĩnh vực kinh tế quan trọng của thị trấn, nên việc các hàng quán kinh doanh trở lại cũng báo hiệu sự phục hồi của kinh tế địa phương.

Ông Thái Văn Lệ, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền đánh giá, Phong Điền là địa bàn có tuyến Quốc lộ 1A đi qua hơn 20km, với khoảng 200 hàng quán lớn nhỏ (nhà hàng, quán ăn, trạm dừng, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm). Phong Điền là điểm dừng quan trọng của hành khách trên hành trình di chuyển trên tuyến Quốc lộ 1A nên việc mở cửa cũng đi đôi với những thách thức trong phòng, chống dịch bệnh. Vì trên thực tế, việc kiểm soát lịch trình, cũng như các yếu tố dịch tễ đối với các tài xế xe đường dài luôn gặp khó khăn.

Kinh doanh phải an toàn

Qua trao đổi với một số cơ sở kinh doanh trên tuyến Quốc lộ 1A ở huyện Phong Điền, thực tế cho thấy 2 vấn đề lớn là vẫn còn tâm lý chủ quan và việc triển khai thiếu đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Đó là bên cạnh một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn đã thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch COVID-19, như quét mã QR-Code, chủ nhà hàng, nhân viên tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin, bổ sung thêm dung dịch sát khuẩn, xà phòng… Tuy nhiên, nhiều hàng quán lại khá lúng túng khi lặp đặt máy quét mã QR-Code, chưa trang bị máy đo thân nhiệt, bố trí chỗ ngồi chưa hợp lý…

Đó cũng là lý do mà những ngày vừa qua, đoàn liên ngành của huyện Phong Điền đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các nhà hàng, quán ăn ở các xã Phong An, Phong Thu và thị trấn Phong Điền (là những địa phương có tuyến Quốc lộ 1A đi qua). Đây cũng là giải pháp chủ động thích ứng, thực hiện mục tiêu kép vừa kinh doanh, vừa phòng, chống dịch hiệu quả; giảm thiểu nguy cơ làm lây lan dịch bệnh vào cộng đồng.

Ông Thái Văn Lệ thông tin, đối với các cơ sở kinh doanh dọc Quốc lộ 1A, huyện yêu cầu phải có cam kết với chính quyền địa phương về phòng, chống dịch trong hoạt động mới được phép kinh doanh. Các cơ sở chỉ hoạt động không quá 50% công suất trong cùng một thời điểm; phải quét mã QR-Code cho nhân viên, khách hàng đầy đủ. Phải tiến hành xét nghiệm tầm soát định kỳ 2 tuần/lần tối thiểu cho 10-20% người lao động và các điều kiện phòng, chống dịch; thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Lãnh đạo UBND huyện Phong Điền nhấn mạnh, trong trạng thái bình thường mới, việc thích ứng mở cửa trở lại là điều được khẳng định. Tuy nhiên, với yếu tố là khách đường dài, di chuyển qua nhiều địa bàn nên yêu cầu phải đặt ra là vừa phục vụ, vừa tăng cường giải pháp phòng, chống dịch. Công tác kiểm tra, đánh giá sẽ được triển khai liên tục, thường xuyên, tránh sự chủ quan, lơ là của các cơ sở và các cơ quan chức năng. Trong công tác kiểm tra cũng phải có chế tài xử lý nghiêm các đơn vị lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.

Bài, ảnh: Đức Quang

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …