Với số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng đột biến trong một tuần qua, ngày 26/2, TP. Hà Nội đã ra quyết định tạm hoãn tổ chức dạy, học trực tiếp cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 để hạn chế dịch bệnh lây lan.
Số liệu thống kê cho thấy, ngày 26/2, Hà Nội ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm COVID-19, đưa 74 địa phương trong số 23 quận, huyện của thành phố có mức độ dịch cấp độ 3.
Sau Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh xấp xỉ 5.000 ca nhiễm trong ngày 26/2. Một loạt các tỉnh phía bắc như Tuyên Quang, Phú Thọ, Nam Định, Hải Dương, Nghệ An, Hưng Yên, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lạng Sơn… đều có ca nhiễm trên 2.000 người mỗi ngày.
Cùng với tỷ lệ bao phủ vắc-xin đủ rộng trong cộng đồng, động thái mở cửa trường học, du dịch và các dịch vụ được nhiều địa phương áp dụng để kích cầu, phục hồi và phát triển kinh tế. Mở cửa để thích ứng trong tình hình mới là tất yếu để bảo đảm tăng trưởng, nhưng nếu không kèm các điều kiện phòng, chống dịch phù hợp, được kiểm soát chặt chẽ, khiến dịch bùng phát nhanh, lây lan trên diện rộng thì có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng ổn định, bền vững.
Nhằm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế, không gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, gần đây nhất, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã ban hành Thông báo số 12/TB-BCĐ điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Theo đó, từ ngày 11/2/2022, các nhà hàng, quán ăn, quán cafe, Pub beer, internet, trò chơi điện tử, karaoke được phép hoạt động với điều kiện không quá 50% công suất phục vụ; bàn cách bàn 2m (đối với dịch vụ ăn uống); thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn, quét mã QR code… nơi công cộng đối với mọi hoạt động dịch vụ, du lịch.
Thông báo số 12 đồng thời yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị, địa phương mình theo quy định.
Điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, theo hướng nới lỏng để kích cầu kinh tế là cần thiết, tuy nhiên, nếu các điều kiện kèm theo không được kiểm soát, xử lý nghiêm, dẫn đến tâm lý lơ là, xem nhẹ, sẽ là điều kiện khiến dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng, đặc biệt là ý thức người dân trong việc thực hiện 5k, tự giác xét nghiệm phát hiện bệnh và ý thức khai báo y tế, thực hiện cách ly nghiêm túc khi rơi vào đối tượng F0 và F1 (tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh).
Một khi dịch bệnh không được kiểm soát tốt, tình trạng dịch lây lan, bùng phát trở lại sẽ đặt lộ trình và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trước nguy cơ thiếu ổn định, thiếu bền vững, tái diễn tình trạng mở rồi đóng, đóng rồi mở… do dịch bệnh không được khống chế hiệu quả.
Việc các địa phương để dịch bùng phát mạnh sẽ ảnh hưởng lâu dài đến ổn định, phục hồi, đặc biệt với ngành du lịch. Rõ ràng, khó lòng mà mở cửa, thu hút du lịch hay đầu tư khi địa phương nào đó vẫn còn tình trạng dịch bùng phát, lây lan.
Với một tỉnh du lịch có vai trò quan trọng như Thừa Thiên Huế, việc mở cửa để phát triển cần kèm các điều kiện phòng, chống dịch phù hợp, linh động và nghiêm túc, chặt chẽ.
NHẬT NGUYÊN