Hôm rày, trời đã trở nắng sau quãng thời gian mưa dầm dề và lạnh tê tái. Ba mạ tôi sau khi tất bật đón con cái về ăn tết lại tiếp tục bận bịu với rau ráng ngoài đồng. Những ngày về thăm nhà, cứ sáng sớm tôi đã nghe tiếng lách tách đều đặn và những câu chuyện rì rầm. Chẳng cần đoán, trong đầu tôi rộ lên hình ảnh ba mạ ngồi xoay quanh chiếc rổ thưa, trong rổ là mớ đậu phộng giống đang được tỉ mỉ tách hạt để chờ trồng xuống đất.
Năm nào cũng thế, cứ sau cái tết thong dong là nhà tôi lại huy động nhân lực để lột đậu phộng giống. Đậu càng tốt giống thì vỏ càng cứng, tách hạt đậu nếu không cẩn thận rất dễ bị xước móng, bật máu ở đầu ngón tay. Hàng chục năm nay, năm nào anh chị em tôi từ lúc còn là lũ con nít đến khi đã trưởng thành vẫn làm công việc này. Vừa tỉ mỉ tách hạt, chúng tôi vừa lựa vứt đi đám hạt lép ra khỏi mớ đậu phộng giống hạt to, mẩy, lớp vỏ lụa màu hồng nhạt óng ả.
Những ngày trời nắng ấm, ba tôi sẽ xớt sạch cỏ trên trảng cát. Chỉ với chiếc cuốc nhỏ và kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với cánh đồng, ba sẽ tạo nên những vồng đậu đều đặn. Lớp dưới vồng được rắc vôi tránh côn trùng, mầm bệnh và bón phân hữu cơ, lớp trên được cào xới thật tơi, tưới nước cho ẩm. Sau đó, ba dùng chiếc cào răng thưa đặc biệt để chia hàng trồng đậu (đây cũng là dụng cụ chia hàng trồng ném), đậu được gieo sẽ ngay hàng thẳng lối, thuận lợi cho việc tưới bón, nhổ cỏ, chăm sóc.
Với chiếc đòn gỗ nho nhỏ, mạ tôi sẽ cẩn thận di chuyển từ vồng này sang vồng khác, tay thoăn thoắt gieo những hạt đậu giống xuống nền đất ẩm, xốp, giàu dưỡng chất ấy. Chỉ ba ngày sau, dưới ánh nắng xuân rực rỡ, những vết nứt như bánh thuẫn sẽ xuất hiện trên vồng đậu. Đó là dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ hạt đậu phộng đã trở mình, mọc mầm và sẵn sàng vươn lên đón nắng mưa trảng cát.
Thuở còn bé, đối với tôi, hành trình trồng và thu hoạch đậu phộng là một hoạt động hấp dẫn. Bởi mỗi ngày, khi mặt trời mọc rồi lại lặn, tôi lại được chứng kiến sự thay đổi, tuy rất nhỏ, nhưng cũng vô cùng kỳ diệu từ những mầm đậu nhỏ bé kia. Rõ ràng chỉ vừa mới đội đất hôm kia, thì hôm nay những búp lá non xanh đã ve vẩy, rập rờn trong gió.
Được chăm sóc tốt, từ lấm tấm mầm xanh, cả trảng cát đã xanh ngát xanh màu đậu phộng. Rồi chẳng biết từ khi nào, những đóa hoa màu vàng na ná lan hồ điệp xuất hiện. Một điều thú vị mà ít ai để ý, đó là sau khi thụ phấn xong, những đóa hoa màu vàng thích mắt ấy sẽ “chui” xuống đất, trở thành những hạt đậu phộng, nằm im trong đất chờ bàn tay người nông dân thu hoạch.
Tuy thế, vẫn có những đóa hoa “trở chứng”. Không như anh chị em trong nhà, chúng cứ tung tăng phe phẩy với cái nắng, cái gió của đồng cát chứ không chịu tìm đất ẩn trú. Cũng trở thành hạt, nhưng những hạt đậu phộng này lại có màu trắng xanh chứ không mang màu nâu thường gặp. Và đây cũng là đồ ăn vặt rất ưa thích của tụi con nít chúng tôi khi hạt đậu phộng mọc trên đất ấy vừa đẹp, nhân hạt vừa mềm mọng lại béo bùi.
Ba mạ tôi đã lớn tuổi lắm rồi, không còn đủ sức khỏe để trồng đồng đậu này đến đồng đậu khác nữa. Thế nhưng truyền thống trồng, ép dầu đậu phộng để dùng trong nhà tôi vẫn được duy trì với vài vạt đậu nho nhỏ. Năm nay, mới xa nhà vài ngày, mạ tôi đã gọi khoe đậu tốt giống, chưa gì đã nảy mầm đều đặn, mọc chi chít khắp đồng, khỏi phải dặm tới dặm lui. Nghe giọng nói mừng rỡ của mạ, tôi cũng thấy vui lây, trong đó không chỉ có niềm vui trồng đậu đơn thuần mà còn là những tín hiệu may mắn để hy vọng một năm mới canh tác, trồng trọt được mùa, được giá.
TUỆ LÂM