Luân chuyển, điều động cán bộ: Đổi mới tư duy, ưu tiên xây dựng đội ngũ then chốt – Kỳ 2: Niềm tin càng nhiều, trọng trách càng lớn

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong lần bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025

Khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín

Cụm từ “cả nhà làm quan” xuất hiện phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Thừa Thiên Huế cũng không ngoại lệ, thậm chí một số trường hợp khi báo chí phản ánh, các cơ quan Trung ương vào cuộc làm rõ vấn đề. Nhắc đến thực trạng này, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn thừa nhận: “Cho dù bổ nhiệm đúng quy trình, thậm chí không sai luật nhưng “cả nhà làm quan” sẽ tạo ra dư luận xấu”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đề cập, kẽ hở của công tác cán bộ là thiếu cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Và “cả nhà làm quan” dễ dàng tạo ra tư tưởng cục bộ, khép kín.

Nhằm tránh trình trạng này, công tác luân chuyển cán bộ như là giải pháp hữu hiệu. Nhận diện vấn đề, các cấp ủy đã thực hiện luân chuyển cán bộ gắn với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Điều này tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, trưởng thành nhanh, toàn diện và vững vàng hơn.

Ông Phan Xuân Toàn đánh giá, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy khi không phải là người địa phương không chỉ khắc phục được tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ mà còn giúp cấp ủy, chính quyền tại chỗ tiếp thu những vấn đề mới, tích cực trong tư duy, từ đó thay đổi lề lối, tác phong công tác, nâng cao trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Ngày 1/4/2020, ông Trần Quốc Thắng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền. Đến tháng 7/2021, ông là Bí thư Huyện ủy Quảng Điền. Sau hơn 2 năm được điều động về vùng “rốn lũ”, những tình huống, vấn đề ở cơ sở, địa phương buộc ông phải ứng xử, xử lý, giải quyết không có trong lý thuyết. Khó khăn, thách thức từ thực tiễn giúp ông đúc rút nhiều kinh nghiệm quý báu, qua đó có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế. “Khi không là người địa phương sẽ ít chịu ảnh hưởng, tác động, chi phối bởi các mối quan hệ thân quen; xử lý công việc thuận lợi, công tâm, khách quan hơn. Tuy nhiên, vì không phải là người địa phương nên tôi phải hết sức thận trọng, công tâm, tuân thủ các quy định trong xử lý, giải quyết công việc để giữ uy tín. Ngoài ra, cần có nhiều góc nhìn, có quan điểm đúng mới tốt cho sự phát triển của địa phương”, ông Thắng chia sẻ.

Với ông Huỳnh Công Quảng, sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động giữ chức Bí thư Huyện ủy A Lưới, ông bắt tay ngay vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Với đặc thù là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ông Quảng tâm niệm, dân đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh. Đến miền đất mới sau nhiều bỡ ngỡ, tân Bí thư Huyện ủy miền sơn cước cũng dần bắt nhịp với đời sống dân bản. Ông tự nhận thấy, trách nhiệm của tổ chức giao phó là vô cùng lớn lao.

Nhắc đến sự đổi thay của A Lưới, ông Quảng bảo đó là thành quả từ nỗ lực toàn dân bên cạnh nền tảng chỉ đạo của lãnh đạo thế hệ trước. “Tôi ấn tượng với người dân A Lưới đó là tuyệt đối tin vào Đảng. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng dân một lòng đoàn kết, xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới, bước đầu mang lại hiệu quả. Điều trăn trở lớn nhất của tôi trong thời gian tới là làm thế nào để giảm nghèo bền vững”, ông Quảng tâm sự.

Lãnh đạo địa phương cần sâu sát với đời sống của người dân (trong ảnh: Lãnh đạo huyện Phú Vang động viên nông dân vào mùa gặt). Ảnh: CT

Xóa tư tưởng “chạy luân chuyển”

Đến thời điểm này, đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho thấy, phần lớn cán bộ luân chuyển đã phát huy được năng lực, trách nhiệm. Tuy nhiên, một số cán bộ luân chuyển đang từ chuyên sâu một lĩnh vực sang lãnh đạo, chỉ đạo chung nhiều lĩnh vực, cộng với chưa có kinh nghiệm thực tiễn gây ra nhiều khó khăn.

Huyện Phong Điền là địa phương điển hình trong công tác luân chuyển cán bộ. Song công tác cán bộ tại địa phương này đang gặp những trở lực nhất định. Theo ông Hồ Tá Thạnh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phong Điền, hiện đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện cơ bản được “đóng khung” nên khó có vị trí “trống” để luân chuyển; mặt khác, những cán bộ có năng lực ở cơ sở đang là hạt nhân dẫn dắt các phong trào khó tìm người thay thế. Điều này vô hình chung dẫn tới cản trở động lực và cơ hội trưởng thành của cán bộ cơ sở. “Hết thời hạn luân chuyển, điều động, nếu cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ sẽ được đề nghị bố trí ở chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, thực tế khó có phương án bố trí cụ thể cho cán bộ sau luân chuyển…”, ông Thạnh nói và đề cập đến việc tương lai sẽ dôi dư cán bộ bởi với lộ trình Phong Điền trở thành thị xã, nhiều xã sẽ được sáp nhập.

Trong công tác cán bộ, luân chuyển là phải bố trí người phù hợp với thực tế địa phương, giải quyết những dấu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không hề dễ: Mục đích luân chuyển? Luân chuyển ai? Về đâu? Về làm gì? Yêu cầu của địa phương như thế nào?… Đề cập đến những khó khăn của huyện Phong Điền, ông Phan Xuân Toàn cho rằng, luân chuyển cán bộ phải thực hiện nghiêm túc, cán bộ được luân chuyển phải ý thức về trách nhiệm, xem đây là cơ hội cọ xát để trưởng thành hơn. “Trung ương tuyệt đối cấm tình trạng “chạy luân chuyển” và chúng tôi cũng quán triệt tư tưởng cho cán bộ, không phải sau khi luân chuyển là tuyệt nhiên họ được thăng chức thăng quyền”, ông Toàn khẳng định.

Lâu nay, tiêu chí đánh giá dựa trên các yếu tố như, xây dựng nội bộ đoàn kết, lãnh, chỉ đạo để kinh tế – xã hội khởi sắc, cán bộ năng động và có cơ chế phối hợp nhịp nhàng, tạo dư luận tốt trong công tác lãnh, chỉ đạo… Tuy nhiên, không chỉ Thừa Thiên Huế, công tác đánh giá cán bộ luân chuyển vẫn đang là khâu yếu tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Từ cuối năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển, điều động 90 trường hợp. Thực hiện chủ trương bố trí cán bộ, quản lý không phải là người địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất và đề ra mục tiêu phấn đấu thực hiện bố trí chức danh bí thư không phải là người địa phương ở tất cả các huyện, thị, thành phố. Hiện nay đã thực hiện 4/9 đơn vị cấp huyện và sẽ phấn đấu hoàn thành trước năm 2025.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác cán bộ trong nhiệm kỳ mới. Việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đảm bảo sự chuyển tiếp và liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ hết sức quan trọng.

Theo ông Phan Xuân Toàn, kế hoạch luân chuyển cán bộ cần dựa trên yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương và đội ngũ cán bộ các sở, ban ngành, đoàn thể để lựa chọn cán bộ luân chuyển cũng như chọn đơn vị luân chuyển cán bộ. Cùng với đó, tỉnh coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với tiêu chuẩn chức danh theo quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ theo vị trí việc làm, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; chú trọng việc gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; tạo môi trường để mỗi cán bộ có điều kiện rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành bằng phẩm chất và tài năng, yên tâm, tuyệt đối tin tưởng vào sự phân công của tổ chức.

“Chúng tôi đang tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh giai đọan 2022-2025 và Quy chế phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là luân chuyển, điều động cán bộ về làm trưởng, chứ không làm phó. Khi được làm cấp trưởng, cán bộ sẽ dễ dàng thực hiện những ý tưởng mới, dám chịu trách nhiệm”, ông Toàn thông tin.

Bài, ảnh: Lê Thọ

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …