Liên kết lan tỏa bánh lá Hương Cần

Phụ nữ với nghề bánh gói ở Hương Cần

CLB có 10 thành viên, sinh hoạt 3 tháng 1 lần. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Toàn cho biết, thành lập CLB là cần thiết, để mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm làm bánh, qua đó quảng bá được sản phẩm đến với khách du lịch. Thông qua hoạt động của CLB, tạo liên kết giữa các thành viên, tuyên truyền sâu rộng trong hội viên phụ nữ, phát huy vai trò của hộ gia đình trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.

Một thời khó khăn, nhưng bánh lá Hương Cần vẫn được gìn giữ và lưu truyền. Những năm gần đây, kinh tế và giao thương phát triển, bánh lá Hương Cần có điều kiện lan tỏa. Hương Toàn hiện có hàng chục gia đình làm bánh lá, nhưng chỉ có 4 hộ có quy mô lớn, trong đó có hộ bà Nguyễn Thị Gái, Tổ trưởng Tổ bánh lá Giáp Đông.

Bà Gái chia sẻ: Bánh Hương Cần có nhiều loại: Lọc, nậm, gói, ít trắng, ít đen (bánh gai). Nổi tiếng và có được thương hiệu là bánh gói Hương Cần.

Khách hàng đặt bánh gói của bà Gái hiện không chỉ có người địa phương, ở Huế mà còn tận nơi xa như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Họ đặt bánh để ăn, giỗ kỵ và làm quà. Để đáp ứng cho nhu cầu đi xa và để lâu, công nghệ hút chân không và bỏ đông đã được bà Gái và người làm bánh gói ở Hương Toàn thực hiện. Nhờ vậy, bánh có thể để dùng cả tháng mà hương vị không bị mất đi và vẫn đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tương truyền, xưa bánh lá Hương Cần là bánh “tiến vua”. Bánh lá Hương Cần nổi tiếng ngon và đẹp. Ngon bởi nhụy được làm từ loại tôm tự nhiên của đầm phá Tam Giang kết hợp với thịt nạc heo vai, không dùng chất bảo quản. Người làm bánh tài hoa, biết cách gia giảm gia vị cho phù hợp, nhào nặn bột bánh sao cho đảm bảo độ mềm, độ dai vừa thơm; cân đếm tỷ lệ mặn ngọt, béo bùi vừa phải. Để có chiếc bánh đẹp, bánh lá Hương Cần được gói bằng lá dong. Bánh luộc phải canh chừng sao cho vừa chín tới mà màu lá vẫn xanh.

Cơ sở làm bánh lá của bà Nguyễn Thị Gái và cũng là mô hình chung của bánh lá Hương Toàn phát triển mạnh mẽ trong 5 – 7 năm trở lại đây, chủ yếu tận dụng lao động trong nhà. Tùy theo đơn đặt hàng, mỗi ngày cơ sở của bà Gái có thể xuất lò 1.500 – 1.700 chiếc bánh các loại. Lúc cần nhân công, bà Gái “mướn quanh” bà con ở xung quanh theo kiểu “vần công” với giá 20.000 đồng mỗi giờ. Quy trình làm bánh cũng được “công nghệ hóa” ở các khâu đánh bột, xay nhân và đóng gói chân không nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.

Tham gia CLB bánh lá Hương Cần, bà Gái cho rằng, trước tiên là có thêm bạn bè để hàn huyên, trao đổi chuyện đời thường. Sau đó là chia sẻ kinh nghiệm làm bánh và bán bánh. Ở tuổi đã gần “xưa nay hiếm”, bà Gái vẫn hồ hởi nói về những khách hàng “không biết mặt” khi việc mua bán bánh lá Hương Cần hiện nay có khi chỉ cần thông qua điện thoại hay mạng zalo.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cán bộ Hội LHPN thị xã Hương Trà cho biết, CLB Phụ nữ khởi nghiệp “Bánh lá Hương Cần” là một trong 5 tổ liên kết phát triển kinh tế mà cấp hội cơ sở tập trung chỉ đạo và duy trì. Hội LHPN thị xã Hương Trà đang vận động chị Dương Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Toàn tham gia mô hình khởi nghiệp cấp tỉnh với dự án “Xây dựng chuỗi liên kết bánh gói Hương Toàn”. Đó là cách để cấp hội phụ nữ cùng góp sức phát triển, lan tỏa và làm giàu từ đặc sản của vùng đất.

Bài, ảnh: Đan Duy

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …