Sau những cơn mưa chợt đến, chợt đi, tôi bỗng thèm cái bình yên ngọt lành trên miền cao khi mùa cam vừa chín. Được lúc con cháu rủ, cùng một người bạn, chúng tôi lên Nam Đông vào ngày chủ nhật, cuối tháng tám âm lịch. Đúng là một chuyến đi dã ngoại đầy ngẫu hứng, chứa chan thi vị với núi rừng Nam Đông xanh xanh hiền hậu ở chân trời Tây Nam, cách Huế chỉ trên dưới 50km.
Trĩu quả
Khi bắt đầu khởi hành, Huế mưa, vẫn nỗi niềm của mùa thu xứ sở. Nhưng khi xe đi tới đến ngã ba La Sơn là mưa ngưng hẳn. Các con đã xem thời tiết, biết trước không mưa, nhưng dù mưa, tôi cũng vẫn muốn đi. Tôi muốn biết những vườn cam xoàn đã thành thương hiệu “Cam Nam Đông” trước mùa thu hoạch như thế nào.
Tôi bỗng nuôi niềm tin rằng ông trời thương, sẽ vén mây cho thoả ước mơ lành, như cái cách trẻ thơ tin ở cổ tích. Mà rứa thật, đường lên Nam Đông xanh bình yên, dịu dàng như đi giữa tiết xuân. Trời sáng dần, mây bắt đầu bay trên lưng chừng núi Truồi, ngọn núi thân thuộc trong tôi từ những ngày đầu tiên về dạy học trong Trường An Lương Đông hiền hòa cổ kính, hơn bốn mươi năm trước. Ngày đó, tôi cứ ngỡ sau lưng núi Truồi là Nam Đông, càng đi, mới càng thấy dải đất này không hẹp như tôi nghĩ, trù phú và xanh ngút ngàn. Khối óc, bàn tay, giọt mồ hôi của con người đã biến đường lên Khe Tre khó đi ngày xưa, giờ đã thành những con đường rộng mở với núi rừng xanh mênh mang, xứng đáng là miền du lịch sinh thái lý tưởng.
– Ồ, một Sa Pa của Thừa Thiên Huế!
Con dâu tôi reo lên đầy hứng khởi, tôi nhìn ra ngoài của xe thấy mây trắng la đà bay lang thang trên lưng chừng những ngọn núi cao phía Bạch Mã. Con đường cao tốc thênh thang, xe đi êm ru trong sắc xanh trải mênh mang trên những núi đồi, đi qua những nếp nhà ngói đỏ, những làng bản thấp thoáng trải trong màu xanh của đại ngàn trùng điệp, thấy thêm yêu mùa thu xanh xứ sở mình. Chưa đến thị trấn Khe Tre, xe rẽ hướng lên rẫy, đường nhỏ, đã đổ bê tông, khá ngoằn ngoèo, làm tôi nhớ cảm giác những cung đường ở Hà Giang, trong lần du lịch phía địa đầu Tổ quốc. Nhưng rồi thở nhẹ vì núi đồi trước mắt lại trải ra thoai thoải trong thung lũng với những nếp nhà nhỏ canh nương của người làm rẫy. Đây rồi, những vườn cam nối tiếp nhau, những vườn cam sạch được trồng theo tiêu chuẩn “VietGAP” được gắn tên “Vườn cam ông Thanh”, “Vườn cam ông Sinh”… trên những tấm biển nho nhỏ, treo ở đầu ngõ. Những tấm bảng rất khiêm nhường nhưng đầy nội lực, như một câu hát vui, đầy vẻ tư hữu mà cũng đầy trách nhiệm trong bài hát về thương hiệu tập thể “Cam Nam Đông”.
Tôi bảo con trai dừng xe, để đi bộ cùng người bạn già trên con đường có tiếng gió đung đưa mát lành, trong trẻo từ trên núi cao tỏa xuống những bờ cây cỏ, hoa dại nở đầy ven đường. Các cháu nhỏ đùa vui hái hoa, bắt bướm. Tôi hái những trái tóc tiên chín thơm bên bờ dậu, một vị chua ngọt thanh đã xa ngái bỗng đậm thơm trên đầu lưỡi, khiến tôi bâng khuâng mãi. Lòng chứa chan vui vì lần trở lại này, trên những triền cây cao su đã cỗi, giờ thay thế bằng những vườn cam mới lai tạo phù hợp với thổ nhưỡng đang mùa rượm mật. Đất ở đây, với tôi, bỗng ngọt hơn, thơm hơn hẳn những rừng tràm thăm thẳm vừa lùi lại phía sau lưng, dù mùa nấm đang còn bổi hổi sinh sôi dưới những tầng lá rụng ấm hương tràm.
Thích thú bên vườn cam và hò reo, chạy đuổi theo đàn vịt
Dừng lại ven bờ suối, rẽ vào vườn cam của nhà ông Vinh. Đón chúng tôi là anh thanh niên có nước da nâu đen, anh nhìn chúng tôi bằng đôi mắt đen lấp lánh vời vợi của rừng đại ngàn, rồi mỉm cười hiền lành thay lời chào. Cả đàn vịt xiêm nghe bước chân người nghểnh cao cổ ngóng nhìn. Bầy trẻ nhỏ thích thú hò reo, chạy đuổi theo đàn vịt ra phía hồ chứa nước trước nhà. Đàn gà nghe tiếng bước chân con trẻ đang kiếm ăn dưới những gốc bưởi trĩu quả, vội chạy ra phía đồi xa. Tiếng gà cục tác nghe vui vẻ như lời chào đầy vang âm của miền đồi vắng. Ồ sau nếp nhà nhỏ là cả một khu vườn cam rộng lớn, cây chỉ cao quá đầu người khoảng hơn tầm tay với mà quả đã trĩu cành, cảm giác cả sườn đồi nghiêng theo mùa quả chín. Bọn trẻ chạy nhảy tung tăng, tung tăng… người già chúng tôi thì ngồi xuống dưới tán cây, để cho quả chạm vào mặt người. Hít hà… hít hà, nghe thân thương hương quả, hương lá dâng nồng thơm. Các bạn trẻ bổ cam, mùi cam mới hái bổ ra thơm ngát, nếm thấy cam đã dâng mật ngọt thanh, vị hơi chua. Chao ơi là hương cam, thứ mùi hương có khả năng đánh thức, thanh lọc và trao truyền những năng lượng tích cực cho sức khỏe và tâm hồn. Cháu chủ vườn nói, cam trong vườn để ba ngày nữa là ngọt đậm, rồi hái cho chúng tôi những chùm quả vừa chín tới, loáng một chút đã được ba chục cân (mỗi cân mua ngay tại vườn giá 20.000 đồng). Ngắm mãi vườn cây trĩu quả, tôi chợt nghĩ, cả Nam Đông này hái hết thì phải có đến… nghìn tấn cam. Ngỡ như nghe được tiếng chốt đơn dào dạt trên chợ điện tử. Các cháu mải mê chụp lại niềm vui trên đồi cam, tôi cũng mong muốn có hình ảnh đẹp cho nhiều người biết, đặt mua online hay hơn thế, còn kịp về Nam Đông mùa cam này, vừa ngắm cảnh, vừa hái và mua cam sạch. Mong mọi người cũng như chúng tôi, thưởng thức cho bằng hết vị ngọt thanh đặc trưng trong sự trở mình của đất và người miền Tây yên tĩnh, thơ mộng mà trù phú, cách Huế chẳng bao xa. Hy vọng, “Cam Nam Đông” sẽ tỏa đi khắp mọi miền với niềm vui ngọt lành mới mẻ.
Tạm biệt vườn cam đầy yêu mến, trời ban trưa sáng ra, xanh hơn, xe đưa chúng tôi qua thị trấn Khe Tre yên bình, xinh xắn… đi về phía thác Kazan. Thi thoảng, ven suối bắt gặp một vài ngôi nhà tròn – nhà Gươl của người Cơ Tu, níu bước chân qua. Thác Kazan đây rồi, nắng bấy giờ tỏa ấm khắp cả một miền suối rừng nguyên sơ, hùng vĩ. Tiếng suối trong rừng thu nghe như tiếng đàn dìu dặt, trầm lắng. Bữa cơm đậm hương rừng được bày ra trên tảng đá phẳng ven suối, các cháu vui tắm suối mãi mới dùng cơm, bữa ăn thật thú vị. Bỗng thêm vui vì bà con Cơ Tu đã bắt đầu kinh doanh, khai thác vẻ đẹp quý báu ở chốn này bằng tâm hồn chất phác, đôn hậu.
Chiều nghiêng, nắng trải vàng đồi nương, chúng tôi ra về mà lòng còn vương vấn mãi.
Bài, ảnh: TRIỀN THẢO