Sản xuất sợi tại Công ty CP Sợi Phú Nam ở Khu công nghiệp Phú Bài
Linh hoạt để duy trì sản xuất
Là một trong những DN ghi nhận nhiều ca F0 trong nhà máy tính từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, đến thời điểm này, Công ty Scavi Huế có khoảng 3.000 ca F0, chiếm hơn 40% tổng số CBCNV- LĐ toàn nhà máy. Thời điểm hiện tại, số lao động báo nghỉ do nhiễm COVID-19 cũng chiếm gần 300 người. Cùng với lao động bị F0, số lao động trở lại các tỉnh phía nam làm việc sau khi các nhà máy mở cửa trở lại đã gây khó khăn cho DN, dẫn đến việc thiếu hụt lao động thường xuyên diễn ra. Những ngày cao điểm, nhà máy thiếu hơn 500 lao động nên hoạt động sản xuất liên tục bị xáo trộn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đơn hàng.
Theo lãnh đạo công ty, để giải quyết tình thế, DN tạm thời chia nhân lực theo phân xưởng, huy động người từ xưởng này sang xưởng khác. Số lượng công nhân là F0 tăng liên tục trong khi số lượng đơn hàng tăng mạnh từ đầu năm 2022 đến nay, do đó công ty phải tìm mọi cách để duy trì, cố gắng tuyển thêm lao động đáp ứng tiến độ đơn hàng theo yêu cầu của đối tác. Hiện nay, DN đang rất khó khăn trong tuyển dụng, thị trường lao động đang mở cửa trở lại, nhiều DN khác cũng liên tục tuyển dụng, cùng nhiều chế độ đãi ngộ được áp dụng để thu hút nguồn lực.
Không sử dụng lao động nhiều như các nhà máy may, song các nhà máy sản xuất sợi cũng gặp không ít áp lực khi số ca F0 trong nhà máy liên tục tăng, gây gián đoạn công việc và thiếu hụt nguồn lao động. Trong khi đó, với đặc thù của ngành sản xuất sợi nên các lao động làm việc tại các dây chuyền kéo sợi được đào tạo chuyên nghiệp, rất khó bố trí thay thế khi một số lao động trở thành F0 phải nghỉ việc.
Tại Công ty CP sợi Phú Mai hoạt động ở Khu công nghiệp Phú Bài, với dây chuyền 2,6 vạn cọc sợi, giải quyết việc làm cho 300 lao động, từ đầu năm 2022 đến nay số lượng F0 liên tục tăng, gây khó khăn trong việc bố trí sản xuất ở các phân xưởng.
Theo quản lý công ty, kế hoạch sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các phân xưởng phải điều chuyển lao động, đồng thời thông báo với khách hàng về những khó khăn do dịch bệnh. Công ty động viên tinh thần và hỗ trợ người lao động đang sản xuất để cố gắng làm bù phần việc của những người đang nghỉ; đồng thời tính đến việc tăng giờ làm thêm cũng như điều chỉnh kế hoạch sản xuất để duy trì sản xuất và đảm bảo đơn hàng.
Nhiều doanh nghiệp lên phương án bố trí khu vực cho F0 không triệu chứng đi làm
Nhiều phương án khi F0 tăng
Theo Trưởng ban phòng, chống dịch COVID-19 Công ty Scavi Huế, ông Hồ Phan Minh Đức, qua theo dõi các ca F0 là CBCNV- LĐ ở công ty, dù triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng cũng rất khó khăn khi đến làm việc trực tiếp tại nhà máy vì sức khỏe yếu, trong khi môi trường làm việc phải vận hành liên tục đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Với hơn 7.000 lao động được bố trí ở nhiều phân xưởng, như phân xưởng cắt, may, ủi… nên DN không thể bố trí khu vực tách biệt cho F0, rồi vấn đề xe đưa đón công nhân, nhà ăn, nhà vệ sinh… cũng không đảm bảo an toàn cho các F0 đi làm.
“Để tạo điều kiện cho các DN ổn định sản xuất kinh doanh và giảm tổn thất vì thiếu hụt lao động khi số lượng F0 tăng, các ban, ngành nên linh hoạt cho các trường hợp F0 không triệu chứng ở nhà cách ly từ 3-5 ngày, sau đó dù xét nghiệm vẫn dương tính nhưng nếu sức khỏe tốt có thể đến nhà máy làm việc và tuân thủ các biện pháp 5K nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh cho người xung quanh. Vì sau 5 ngày nhiễm COVID-19, tỷ lệ lây lan ra cộng đồng rất thấp nên có thể yên tâm đi làm. Bởi, nếu ở nhà chờ đợi đến khi âm tính có thể kéo dài từ 7-12 ngày”, ông Đức đề xuất.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, ông Hồ Nam Nhật cho rằng, với số lượng ca F0 tăng nhanh như hiện nay, thời điểm hiện tại có hơn 50 F0/1.500 lao động (thời điểm tháng 2/2022 mỗi ngày gần 200 ca) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của DN, trong đó một số bộ phận đặc thù rất khó thay thế lao động. Hiện, DN đã lên phương án, bố trí khu sản xuất riêng biệt, nhà ăn riêng nên nếu Bộ Y tế cho phép, DN có thể bố trí khu vực riêng dành cho các F0 không triệu chứng đi làm, song sẽ đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để không lây lan dịch ra các khu vực trong nhà máy và cộng đồng.
Theo Phó Trưởng phòng Đầu tư – Doanh nghiệp và Lao động, Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, ông Hồ Huy Hinh, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, từ ngày 26/1/2022, Ban đã ra văn bản cho các F1 tại một số DN có số lượng lao động lớn như Scavi Huế, HBI, Công ty Bia Huế… đi làm, song phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với trường hợp là F0, mặc dù nhiều DN ở các khu kinh tế, khu công nghiệp đề xuất phương án bố trí cho F0 đi làm trực tiếp, tách biệt tại các nhà xưởng, văn phòng DN và tuân thủ các biện pháp 5K, song hiện nay theo quy định của Bộ Y tế, tất cả F0 có triệu chứng hay không đều không thể đi làm nên Ban phải áp dụng theo nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các nhà máy, DN.
Bài, ảnh: Thanh Hương