Lao động bền vững

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, một trong những vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu là: Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, đa dạng hóa các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa…

Việc làm đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội; không chỉ đảm bảo sinh kế cho người dân, mà còn góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, những năm qua, Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương… luôn quan tâm đến việc đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện Việt Nam có trên 51,6 triệu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%. Riêng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế khoảng 593.000 người, tỷ lệ lao động thất nghiệp dao động trong khoảng từ 2-3%. Hiện nay, các cấp chính quyền và các sở, ngành liên quan đang tiếp tục kết nối giải quyết việc làm cho người dân thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…

Tuy nhiên, theo đánh giá, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối. Hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa bền vững, mạng lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương phòng ngừa, khắc phục và chống chịu rủi ro bền vững cho người lao động.

Thực trạng này có thể thấy rõ trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hàng loạt doanh nghiệp thiếu lao động, thiếu nhân lực chất lượng cao… để sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tình trạng được mùa mất giá, thiệt hại do môi trường, hay sản phẩm không đảm bảo yêu cầu chất lượng tại các thị trường thế giới vẫn cứ lặp đi lặp lại. Mặt khác, thu nhập của người lao động vẫn còn thấp, an sinh xã hội chưa đảm bảo, ngay tại các khu công nghiệp, khiến nạn tín dụng đen phát sinh, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Tình trạng người dân thiếu thông tin chính thống về việc làm cũng là vấn đề đặt ra. Nổi cộm trong thời gian gần đây là người dân bị lừa sang Campuchia làm việc tại các casino, bị bóc lột sức lao động dã man, khiến ai cũng phải đau lòng. Mới đây, có 42 người không chịu nổi đã liều mình bỏ trốn bơi qua sông Bình Di (An Giang) về nước; một người bị nước cuốn mất tích, một người bị casino bắt lại…

Cũng tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau… Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.

Hy vọng, những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực lao động, việc làm thời gian qua được khắc phục, góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thời gian tới.

ĐẶNG THÀNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …