Chị Lê Thị Kim Kiều (trang phục bảo hộ) tặng quà hỗ trợ cho những gia đình có người F0
Lăn xả cùng phong trào
6h sáng, chị Lê Thị Kim Kiều, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường An Cựu đã có mặt tại trạm y tế phường, bắt đầu một ngày hỗ trợ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân.
Chị Kiều chia sẻ, thời gian tiêm bắt đầu 7h30, nhưng bộ phận hỗ trợ vòng ngoài như chị phải đến trước 1 tiếng để nhận tờ khai, kiểm tra thông tin của người tiêm. Chị vừa mang xong bộ đồ bảo hộ phòng, chống dịch thì người dân cũng bắt đầu đến nộp phiếu. Ngoài nhận tờ khai, khi trạm y tế cần người chở nhân viên y tế đi lấy mẫu cho F1, F2 là người già, trẻ em…, chị Kiều lại xung phong làm “tài xế”.
Những ngày không tình nguyện hỗ trợ tiêm vắc-xin, chị Kiều lại tham gia cùng tổ cộng đồng đến dán thông báo ở những gia đình có người bị F0, vận động hỗ trợ những gia đình bị F0 có hoàn cảnh khó khăn. Hay những đêm không ngủ tham gia làm muối sả ủng hộ người dân miền Nam khi đỉnh dịch, tham gia nấu ăn phục vụ các khu cách ly…
Chứng kiến thời gian làm việc của chị Kiều không ai nghĩ đó là thời gian của cán bộ bán chuyên trách. “Hơn 10 năm, chị luôn dốc sức cống hiến bằng tất cả tấm lòng. Hình ảnh người cán bộ hội bán chuyên trách Lê Thị Kim Kiều luôn lăn xả với công việc không còn xa lạ với chị em phụ nữ phường An Cựu”, chị Hà Thị Mai Hiên, Chủ tịch Hội LHPN phường An Cựu (TP. Huế) nói.
Gieo yêu thương
Nhắc đến chị Lê Thị Hiếu (Tổ trưởng tổ phụ nữ thôn Quang Lộc, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà), chị Hoàng Thị Sương, nhớ lại: “Chiều 28 tết, chị Hiếu đến tặng quà cho gia đình tôi. Chứng kiến 2 đứa con tôi thiếu thốn quần áo, chị Hiếu liền dẫn chúng đi mua đồ mới. Nhìn hai con vui mừng khi có quần áo mới mặc tết, tôi cảm động vô cùng. Từ khi vợ chồng tôi đổ bệnh, chị Hiếu thường xuyên lui tới thăm và tặng quà”.
Không chỉ gia đình chị Sương, nhiều gia đình hội viên thôn Quang Lộc cũng thường xuyên được chị Hiếu kịp thời giúp đỡ lúc ngặt nghèo.
Chị Hiếu đảm nhận vai trò chi hội trưởng phụ nữ 16 năm nay. Thời gian đầu, tuy hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, nhưng chứng kiến những gia đình hội viên không may rơi vào cảnh éo le, trái tim người phụ nữ nhân hậu lại thổn thức. “Có khi tôi phải chắt bóp từng bữa ăn sáng của bản thân để san sẻ với những người khác khó hơn mình”, chị tâm sự.
Muốn được giúp đỡ nhiều hoàn cảnh hơn, chị Hiếu quyết chí làm giàu, bởi chị suy nghĩ “chỉ có bản thân khả giá mới có thể giúp các chị khác được”. Đó là lý do, động lực để người chi hội trưởng phụ nữ tuổi 48 này không ngại khó, ngại khổ, cần cù buôn bán, từ lúa, gạo đến ngô khoai, sắn, hàng tạp hóa…Số tiền lãi kiếm được vợ chồng chị dành đầu tư đất rừng. Hiện nay, với hơn 20ha rừng tràm và cao su, cuộc sống vợ chồng chị trở nên vững chãi. Như tâm nguyện của mình, từ 8 năm nay, dịp tết nào, vợ chồng chị Hiếu cũng trao tặng hàng chục suất quà là những nhu yếu phẩm cho những hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn trên địa bàn thôn.
Với mong muốn hội viên phụ nữ ngày càng vươn lên, trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, tổ trưởng tổ vay vốn, cộng tác viên dân số tổ dân phố Ngọc Anh (phường Phú Thượng, TP. Huế), chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa luôn tận tâm, tận lực. “Lần ấy tôi đến nhà một hội viên phụ nữ có 3 con nheo nhóc để vận động kế hoạch hóa gia đình. Cô ấy bảo cũng muốn đi, nhưng bận việc nhà, bận con nhỏ. Tôi liền tình nguyện rửa bát, trông con giúp để cô ấy đến trạm y tế xã đặt vòng tránh thai”, chị Hoa kể.
Lần khác, một hội viên tâm sự, muốn kế hoạch hóa, nhưng vì chồng không đồng ý, sợ chồng giận nên không dám. Chị Hoa liền bảo trước mắt để chị chở đi khám sức khỏe sinh sản trước. Quãng đường từ nhà đến trạm y tế, nghe chị Hoa rủ rỉ phân tích, người phụ nữ đó đã quyết định thực hiện kế hoạch hóa gia đình…
Trân quý
Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian qua, hoạt động của phong trào phụ nữ tỉnh đạt được nhiều kết quả. Có được thành tích đó, ngoài nỗ lực của các hội viên, cán bộ hội các cấp, còn có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là cán bộ hội cấp cơ sở.
Các chị chính là cánh tay nối dài của tổ chức hội, chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác hội đến các hội viên. Cán bộ hội cơ sở cũng là người giúp tổ chức hội nắm bắt kịp thời tình hình, tâm tư nguyện vọng của hội viên để tổ chức các hoạt động hội một cách hiệu quả, phù hợp, đồng thời tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền thực hiện các giải pháp giúp phụ nữ tỉnh nhà ngày càng tiến bộ, khẳng định vị thế, vai trò của mình.
“Đảm nhận nhiệm vụ theo tinh thần tự nguyện, tự giác (với mức bồi dưỡng chỉ 300.000 đồng/tháng) song chưa bao giờ các chị lơi là công việc dù trong hoàn cảnh nào. Chúng tôi thật sự trân quý những cống hiến, đóng góp của các chị”, bà Trần Thị Kim Loan nhận xét.
“Đối với những chị chi hội trưởng có hoàn cảnh khó khăn, Hội luôn ưu tiên trao mái ấm tình thương, hay tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế như một hành động tri ân đến các chị, là cánh tay nối dài của hội phụ nữ”, bà Loan bày tỏ.
Bài, ảnh: Hải Thuận