Bạn trẻ có thể đắm mình vào những trang sách ngay tại quán để thư giãn
Nơi học tập lý tưởng
Quán cà phê Shop 100% (đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế) thường xuyên tấp nập người ra vào. Chỉ cần bước vào cửa, các bạn trẻ liền cảm thấy dễ chịu bởi không gian thiên nhiên, nhiệt độ ở mức từ 25 – 28 độ C, bên cạnh đó là ánh đèn ấm áp, hương cà phê thoang thoảng.
Trong không gian này, không ít người trẻ miệt mài bên máy tính, sách vở. Ở một góc quán, Võ Hương Giang (học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Quốc Học) đang giải bài tập. Giang kể, do là thành viên của đội tuyển quốc gia nên em thường ghé quán cà phê vào các buổi sáng để làm bài tập như một thói quen. Sự ồn ào không làm ảnh hưởng khả năng tập trung của Giang, trừ những trường hợp cá biệt khi vài người nói chuyện như “hét vào mặt nhau”. Trước khi đến quán, Giang lập sẵn danh sách bài tập cần làm, kiến thức cần ôn tập để tối ưu thời gian. Giang tiết lộ, nhiều bạn cùng lớp cũng có sở thích ngồi học ở quán cà phê.
Nhiều bạn trẻ chọn quán cà phê sách để làm việc, học tập
Hiện nay, cà phê không phải chỉ là nơi hẹn hò, gặp gỡ và giải trí. Tại nhiều quán cà phê khác như Mộc Cà phê (đường Nguyễn Công Trứ), Book Café (đường Trần Hưng Đạo), nhiều bạn trẻ đến đây để làm việc, khung cảnh không khác một văn phòng. Điều khác biệt là không gian rôm rả đủ mọi âm thanh lẫn trong tiếng nhạc.
Anh Nguyễn Thành Nhân (24 tuổi, TP. Huế) chia sẻ: “Không gian văn phòng làm tôi thấy bí bách nên rất khó tập trung hoàn thành tốt công việc. Sau dịch, từ làm việc tại nhà, tôi chuyển sang ngồi quán cà phê thì hiệu suất cao hơn”.
Anh Nhân cho biết, đa số quán cà phê thường bố trí nhiều bàn ghế, ổ cắm điện, wifi miễn phí và không hạn chế thời gian ngồi lại: “Có nhiều tháng “cao điểm” chạy cho kịp hạn nộp sản phẩm, tôi la cà hết quán này đến quán khác mới xong việc”, anh Nhân kể.
Lý giải cho việc thường xuyên… tốn tiền ngồi quán cà phê, bạn Lê Cẩm Tú (20 tuổi, TP. Huế) cho rằng, đến đó thấy nhiều người trẻ như mình cùng làm việc giúp Tú hứng khởi, có động lực “cày” hơn và không có cảm giác bị giám sát. Tú có thể ngồi quán cà phê “thâu đêm suốt sáng” để làm việc. “Thi thoảng, mình đến quán một mình nhưng đa phần là ngồi làm việc cùng bạn bè để vừa làm vừa có thể bàn bạc hoặc trò chuyện, giải trí, nhâm nhi món nước hay món bánh yêu thích”, Cẩm Tú chia sẻ.
Khi quán cà phê cũng là thư viện
Theo Hương Giang, các bạn trẻ hiện nay có xu hướng linh hoạt xử lý nhiều công việc khác nhau tại một nơi. Nếu cứ phải di chuyển đến từng nơi riêng biệt để làm việc này, việc kia thì quá cồng kềnh. Do vậy, thay vì ghé qua một hiệu sách để mua một cuốn sách và đến một quán cà phê gần đó để đọc, thì việc tìm một hiệu sách có bán cà phê sẽ thuận tiện hơn. Đó là lý do mà những tiệm cà phê sách ngày càng thu hút giới trẻ. Không chỉ có không gian rộng và đẹp mắt, những quán cà phê sách này còn nổi bật với vô vàn đầu sách phong phú. Vì thế, không cần phải tách biệt giữa “nơi để đọc sách” và “nơi để uống cà phê”.
Bên cạnh không gian được tích hợp thuận tiện, nhiều tiệm cà phê sách cũng đầu tư cho mình nhiều tựa sách hay, cũng có thẻ mượn sách, trả sách như các thư viện. “Mình thường ngồi ở Mọt cà phê vì không gian khá thoáng, yên tĩnh. Mình thường hay đến đây để học bài, đọc sách và ôn thi. Không gian của quán rất phù hợp với sinh viên, ngồi ôn bài hay đọc sách về mùa đông tại đây rất thích. Sách ở đây rất đa dạng, dành cho mọi lứa tuổi, từ truyện tranh, sách tâm lý, tôn giáo, sách tiểu thuyết và cả những sách về Huế. Những khi có sách hay đọc chưa hết, em cũng có thể mượn về nhà”, bạn Phan Thị Ngọc Ánh, sinh viên năm 3 Trường đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết.
Đầu tư kinh doanh cà phê kết hợp với sách là một hướng đi khá mạo hiểm, vì khá “kén” khách hàng. Đối tượng đến đây đa phần là giáo viên, dân công sở, học sinh, sinh viên, nhưng cũng vì vậy các quán đã biết cách chọn cho mình “gu” thật phù hợp. Dù với mục đích đi mua sách, hay đi gặp gỡ bạn bè, cuốn sách cũng đã đồng hành cùng các bạn trẻ bên cạnh tách cà phê, cốc nước giải khát. Có thể nói, các quán cà phê sách bằng cách tạo không gian kích thích sự hứng thú với sách, yêu thích văn hóa đọc đã dần có một chỗ đứng nhất định trong đời sống của giới trẻ xứ Huế.
Bài: Đăng Trình – Ảnh: NVCC