Làm nông nghiệp hiệu quả nhờ sớm tiếp cận thị trường và công nghệ mới

Cựu chiến binh Nguyễn Đại Cư ở Hương Vinh (Huế) bên hồ sen của mình

Về thôn Thủy Lộc, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) có cựu chiến binh (CCB) Trần Lợi, thấy nghề đan mây, tre mỹ nghệ của địa phương đang được khôi phục, có thị trường tiêu thụ. Biết không thể sánh vai với HTX Bao La có thương hiệu và đầu tư lớn, nên cách làm của anh Lợi là thông qua công nghệ thông tin, đầu tư máy cho con chào hàng và nhận đặt mẫu mã trên mạng, mua vật liệu giao cho 60 gia đình trong thôn nhận gia công tại nhà, đến nộp sản phẩm để hoàn thiện, chuyển cho các bạn hàng. Không chỉ đan tre, mây mà còn tập hợp lao động có tay nghề nhận thi công, trang trí nội thất, xây dựng các công trình mang tính hài hòa với thiên nhiên, chủ yếu dùng chất liệu mây, tre, nứa, lá. Ngoài thị trường nội địa, anh còn liên kết tìm khách hàng để xuất khẩu mây tre mỹ nghệ sang Trung Quốc, Nhật Bản. Ở vùng nông thôn, nhưng anh đã biết kinh doanh, dịch vụ và thanh toán qua mạng, bạn hàng giao dịch chủ yếu bằng trực tuyến cả khách nội địa và quốc tế, luôn giữ chữ tín hàng đầu.

Anh Lợi tâm sự, hiện nay nông nghiệp sinh thái để giữ gìn môi trường ở nông thôn đang được chọn, tuy vậy muốn theo kịp thương trường cần vững vàng về tin học, ngoại ngữ, mình già rồi phải đầu tư cho con học hành và lập nghiệp phải có đứa ở lại giúp mình ly nông không ly hương.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Nhung ở phường Phú Thượng (TP. Huế) thuê đất xây dựng hồ trên cát nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc (Phong Điền) với công nghệ tiên tiến. Để đảm bảo thành công, ông Nhung đã đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng cải tạo hệ thống hồ lọc nước, chuyển vào hồ tôm giống và hồ nuôi tôm thịt, hệ thống điện, nước ngầm từ biển vào đạt các tiêu chuẩn vệ sinh phòng bệnh và xả thải, xử lý môi trường bằng công nghệ khép kín. Ngoài ra, còn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động thông báo các chỉ số nồng độ nước, khí hậu, môi trường, camera bảo vệ và quản lý từ xa nên thuê lao động nhiều chủ yếu lúc thu hoạch, còn số ít nhân công có tay nghề trực vận hành công nghệ tự động.

Cựu chiến binh Phan Thị Phương ở xã Phong Chương (Phong Điền) tuy đã ngoài 70 tuổi, cùng hai người con lập trang trại nuôi lợn thịt an toàn cung ứng cho siêu thị, mỗi lứa xuất chuồng hơn 800 con. Làm được như vậy nhờ lắp đặt hệ thống tự động chuyển thức ăn và nước từ nơi cung ứng tới chuồng, hệ thống bảo vệ khép kín, ngăn ngừa xâm nhập dịch bệnh và xử lý xả thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Nhờ công nghệ dây chuyền tự động hóa trong chăn nuôi nên gia đình ít thuê lao động bên ngoài để gắn tài sản đầu tư với thu nhập gia đình.

Cựu chiến binh Nguyễn Đại Cư ở Hương Vinh (Huế) cùng các hội viên trong chi hội đã đầu tư cải tạo khu ruộng trũng thành hồ trồng sen thương phẩm. Không những tiêu thụ sen từ hạt, hoa, lá, củ có thương hiệu, vào mùa sen nở còn có thêm thu nhập từ phí tham quan khi có rất nhiều người đến chụp ảnh, câu cá thưởng ngoạn sinh thái ven sông Hương và cảnh đẹp Cố đô. Xu hướng du lịch sinh thái dã ngoại đến vùng nông nghiệp như mùa vàng của các cánh đồng, mùa trổ bông, kết trái và những thức ăn đặc sản thu hút du khách.

Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã hình thành các vùng nông thôn hiện đại và người nông dân tiếp cận công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, giao dịch trực tuyến ngày càng tăng; trong đó, có nhiều CCB. Họ tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” trên “mặt trận” kinh tế, cùng nhau góp sức xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng giàu mạnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Lưu

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …