Làm dâu tháng Chạp

Tháng Chạp, tháng chuẩn bị bánh, mứt cho cái tết cận kề

“Nó có thể cắt lá đổ chuồng bò, mót khoai, nhặt củi khô, nấu cám heo các thứ. Riêng việc sàng cho lúa ra lúa, gạo ra gạo thì chịu”… Mạ lắc đầu chép miệng. Các dì, cậu chỉ cười, thì nó lấy chồng thành phố, chị lo chi!

Mà nó lấy chồng thành phố thật.

Thương con gái quê làm dâu nơi phố thị lại là xứ Kinh kỳ lễ nghi phép tắc, mạ dặn đi dặn lại con ơi con à… nhớ nghe con… Gió từ cánh đồng làng trắng nước thốc qua những ô cửa trống trên con tàu chợ lao giữa màn mưa. Tôi thành nàng dâu Huế vào buổi chiều tháng Chạp năm ấy.

Là chuyện hơn hai chục năm trước. Nhưng người ta thường hay nhớ chuyện cũ vào những ngày này. Khi mưa phùn lất phất, phố thoang thoảng mùi hương tết, những người đàn bà lại tất bật công việc gần như lặp lại mỗi năm với bổn phận và những niềm vui nho nhỏ trong căn bếp của gia đình.

Ba mạ chồng tôi có mười một người con. Các anh chị lớn vài người làm ăn sinh sống ở xa, còn lại quây quần phố trên phố dưới ở Huế. Dạ thưa nhỏ nhẹ, giữ phép ý tứ đứng ngồi là điều đầu tiên ba mạ chồng hài lòng mỉm cười với tôi. Riêng chuyện bếp núc nấu nướng tháo vát như các chị em dâu thì tôi là đứa vụng về nhất.

Biết nàng dâu thảo hiền hay không cũng phải mất nhiều năm. Nhưng nàng dâu khéo và đảm thì chỉ tháng Chạp là biết. Mạ tôi cười cười nói rứa. Tôi vô ngăn bếp của mạ mà chóng mặt. Nào dưa cải, củ kiệu, hành tím, muối dầm chua ngọt xếp tăm tắp mấy thẩu. Thịt bò dầm xì dầu sả, thịt heo ngâm nước mắm đường. Bánh thuẫn, mứt gừng, mứt táo, cà rốt… Cô dâu út của mạ quá giỏi nên tôi chỉ biết đứng trầm trồ.

Chuẩn bị bữa cơm cuối năm, các chị em dâu, chị em chồng đều có mặt sớm. Mỗi người mỗi việc, nhìn nhau gật đầu là biết ý. Tươi rói những củ quả, tôm cá từ chợ về. Các chị thật khéo chọn, món nào cũng tươi non, thơm thảo. Tiếng dao thớt trò chuyện rổn rảng nơi góc bếp của mạ. Tôi nhận phần rửa chén dĩa, nhặt rau và xếp trái cây. Vừa làm tôi vừa nhìn các chị để dò ý. May mắn là ai cũng xởi lởi, nhiệt tình chỉ vẽ. Mạ thương con dâu dưới quê vụng về nhưng thật thà, ngoan ngoãn nên chiếu cố hết mực. Tôi nhìn các chị nêm nấu món chay, món mặn. Tôi giúp các anh sắp xếp mâm cúng với các lễ vật. Rồi sẽ quen thôi, mạ cười nói thế. Và tôi cũng quen thật sau hơn cả chục năm lễ cúng lúc mua trầu lại thiếu vôi, khi nấu món chay lại quên mua xì dầu, củ kiệu, hương sắp tàn lại quên múc cháo thánh…

Thương con cháu lắm, nhưng rồi ba mạ cũng về trời. Những ngày tết chỉ còn ngắm ông bà trên di ảnh. Ngôi nhà thật trống vắng. Từ khi mạ mất, con dâu mạ phải cố gắng thật nhiều để làm tốt một mâm cơm tất niên hay mươi món chay cúng ông bà. Lời mạ dặn và những hình ảnh người đứng trong gian bếp nêm nấu các món ăn in đậm trong tôi.

Mẹ chồng tôi là con gái làng Nam Phổ. Đẹp có tiếng lại có tài bán buôn, nội trợ. Ba kể, nội rất khen nàng dâu cả vì tài nêm nấu khéo của mạ. Chỉ mấy củ hành, nhúm hạt tiêu mà nồi thịt hầm của mạ có vị thơm ngon chưa có chị dâu nào làm được. Mạ nói, món ăn vừa miệng nhưng phải bắt mắt. Vì rứa phải biết cách nêm “đồ màu” và bày biện. Món ăn Huế có mùi vị đậm đà hương sắc, tao nhã cũng từ sự tinh tế trong cách nêm nấu của người Huế.

Và tôi tập nấu cơm chay với những rau củ tươi non mà người đã dạy cách chọn. Nhặt từng cọng rau thơm, nấm rơm, khuôn đậu cho chiếc bánh cuốn phải thật nhẹ tay. Nấu nồi canh rong biển với thơm cà phải nêm cho vừa vị. Chút thanh đạm, nóng lạnh, đơn giản mà cầu kỳ thật mơ hồ, như sương như khói trên sông Hương, dễ gì nắm bắt. Nhưng với lòng thơm thảo, nàng dâu sẽ bày biện được mâm cơm vừa nhẹ vừa thanh với những nguyên liệu củ quả, rau thơm có hương vị rất riêng như Huế xưa của mạ.

Mạ kể, ngày xưa đến tháng Chạp là tối tăm ở mặt mày. Lau chùi bếp, chạn, sân trước cửa sau, giặt chiếu, chăn phơi phóng cho đến đêm 30 hí húi nấu nồi nước lá thơm, tắm gội hết bầy con mới đến lượt mình. Bận bịu cách mấy sau ngày rằm tháng Chạp chị em dâu cũng rủ nhau qua chợ Đông Ba. Gừng tươi, dừa non, cóc xoài, mãng cầu, me trái được chọn kỹ. Sàn bếp đầy những sàng tre, thẩu sành ngào ngạt mùi thơm các loại mứt. Hồi này các nàng dâu sắm tết với những món mứt, bánh làm sẵn trong các khu chợ, siêu thị nên cũng đỡ phần bận rộn. Riêng món mứt gừng, tôi vẫn thích tự tay làm. Ngày đầu năm pha ấm trà, dâng đĩa mứt gừng lên bàn thờ ba mạ, nàng dâu thấy lòng ấm áp.

Những người đàn bà như bếp lửa của gia đình. Tháng Chạp là thử thách cho những nàng dâu trẻ, là bận rộn đầy cảm xúc cho những người đàn bà. Chúng ta từng là đứa con gái vụng về của mạ, là đứa con dâu ngơ ngác nơi nhà chồng. Người phụ nữ thời nay phải đảm đương biết bao công việc, đâu chỉ quẩn quanh trong khu bếp. Đôi khi mệt mỏi, cáu giận, đôi khi khóc thầm vì không được chia sẻ, thấy ngày sao dài và nặng. Nhưng niềm vui được nhận lại là bữa cơm tươm tất ấm cúng cho gia đình. Để ai đó dù xa quê ngàn vạn dặm, mỗi dịp Xuân về Tết đến lại quay quắt thèm bữa cơm của bếp mạ nơi xứ Huế.

Tháng Chạp đã về, các nàng dâu lại tất bật ra chợ. Ngoài những món truyền thống, bữa tiệc cuối năm còn có thêm cơm cuộn Nhật Bản, kim chi Hàn Quốc, bánh táo kiểu Pháp. Và sau những rộn ràng, tất bật các nàng dâu lại giày cao gót, áo dài hoa, váy lụa, rạng rỡ phố đông.

Mùa xuân đang về. Thành phố xinh và thơm như khu vườn cổ tích. Trong những căn bếp ấm cúng sẽ có những cô dâu mới thỏ thẻ, con xin rửa bát nhặt rau mạ hi!

Bài: Bạch Diệp

Ảnh: Tư liệu

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Mới nghĩ thôi đã thấy xa lạ…

Hội lớp 12Đ Quốc Học Huế, NK 1982-1985 đã tổ chức lần đầu sau 25 …