Ký ức điện thoại

Chưa kịp phát huy tính năng, những bốt điện thoại công cộng đã trở nên hẩm hiu thế này

Chuyện “đời xưa…”

Đang đi dọc phố, chợt nghe một giọng nữ cất lên khúc bolero da diết. Tôi nhìn sang bên đường. Ô, có cô em gái đang chăm chú nhìn màn hình smartphone cất giọng. Tiếng hát của em được “nối” đến chiếc “loa kẹo kéo” đặt ngay gần mép lề đường, trên đó có gắn các xấp vé số. Ra em đang sử dụng lời ca tiếng hát để thu hút sự chú ý và mời gọi mọi người mua vé số giúp mình. Tôi bỗng bật cười vu vơ, nhớ lại chuyện… đời xưa khi mới đi làm.

Ấy là năm 1991, sau khi tốt nghiệp đại học tôi đến xin việc tại Báo Thừa Thiên Huế và được nhận vào làm. Cả cơ quan hồi ấy có 3 chiếc điện thoại để bàn. Một của Tổng Biên tập (TBT) Ngô Duy Đàm, một của Phó TBT Đoàn Ngọc Phú, còn một nữa là chung của toàn cơ quan. Chiếc điện thoại dùng chung này là loại quay số, số máy 22427 (nay nâng lên 7 số: 3822427). Lúc nào có điện gọi đến cần gặp ai đó là nhân viên văn phòng bảo chờ chút, rồi chạy ra cửa hét toáng lên: Bớ anh A; Ơi em B… lên nghe điện thoại.

Phóng viên trẻ như tôi lâu lâu cũng có cuộc gọi như thế, bỗng dưng thấy mình quan trọng, oai lên hẳn, đi lên chỗ đặt máy điện thoại rất hiên ngang, gồng gồng lên chút, cầm lấy tổ hợp dõng dạc: Alô… Rồi có khi sau đó là xụi rất nhanh, vì đầu dây bên kia là tiếng của sếp: “Cậu lên phòng tớ gặp trao đổi chút…”. Nghe vô cùng… bất an.

Hồi ấy, tôi thuộc nhóm phòng viên trẻ. Quân số ít, lại là nam giới nên lễ, tết thường được “ưu tiên” phân trực tự vệ cơ quan qua đêm. Cơ quan mênh mông, trực có một mình nên vừa ớn vừa buồn ghê gớm. Những lần như vậy, cứ thỉnh thoảng liếc nhìn chiếc điện thoại và mong có ai đó gọi đến trao đổi hay trò chuyện cho vui. Nhưng đó chỉ là niềm mong mang tính “lạc quan tếu” mà thôi. Đêm hôm, lại là lễ tết, cơ quan nào người ta làm việc? Còn bạn bè, người quen thì có gia đình nào có điện thoại mà gọi? Không có điện thoại, người không gọi mình và tất nhiên mình cũng không thể gọi người.

Bẵng đi nhiều năm, bỗng một hôm cơ quan thông báo một tin rất sốt dẻo: Ngành bưu chính viễn thông của tỉnh do có mối quan hệ công tác đặc biệt hữu hảo với cơ quan báo, cho nên sẽ ưu tiên tài trợ trang cấp cho tư gia cán bộ phóng viên của báo 1 máy điện thoại cố định. Bước đầu là từ cán bộ cấp phòng trở lên. Vậy là nhà tôi trở thành một trong những nhà đầu tiên hiếm hoi trong xóm có điện thoại. Sao mà nó oai phong, sang trọng ghê gớm. Thế là mỗi khi có cuộc gọi đến, tôi cứ để cho chuông reo một cơ số hồi rõ to trước khi nhấc máy. Vậy cho nó khí thế!!! Mà làm sao không khí thế được, trong lúc thiên hạ nếu cần gọi điện phải chạy ra bưu điện trung tâm hoặc một bưu cục nào đó gần nhà, viết phiếu đăng ký, rồi xếp hàng chờ đến phiên mới được vào cabin mà gọi. Còn nhà mình, nhấc máy, bấm số là có thể ngồi gác chân alô ngay. Tất nhiên, đừng say sưa quá, không thì cuối tháng trả cước có khi… bạc mặt.

Thời gian ấy, cứ thấy thống kê 6 tháng, cả năm… phát triển được bao nhiêu máy điện thoại/100 dân, cao hơn cùng kỳ bao nhiêu phần trăm… Đó là sự nỗ lực của cả ngành bưu chính viễn thông lẫn sự hợp tác tuyên truyền của anh em báo chí; đồng thời, nó cũng phản ánh một phần sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội.

Cùng với điện thoại cố định thì điện thoại di động cũng bắt đầu xuất hiện. Tất nhiên, phải là những người thật vai vế, thật VIP mới có thể sử dụng. Cơ quan tôi đến những năm cuối của thập niên 1990 chỉ có Tổng Biên tập mới được trang cấp 1 chiếc để xử lý việc công. Chiếc di động lúc ấy to tổ chảng, mà bây giờ người ta vẫn gọi vui là “cục gạch”, nhưng ai nhìn cũng phải kính trọng về sự hiện đại và đắt đỏ của nó. Không rõ thủ trưởng có sử dụng nhiều không, nhưng trong dịp “đại hồng thủy” tháng 11/1999, cái “cục gạch” kia đã phát huy công dụng tối đa. Chính nhờ nó mà thông tin về cơn lũ lịch sử tại Huế được phóng viên, biên tập viên Báo Thừa Thiên Huế chuyển đến các cơ quan báo chí trung ương và địa phương để đăng tải kịp thời, thu hút sự theo dõi, chung tay sẻ chia, giúp đỡ Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả lũ lụt của các bộ, ngành và Nhân dân cả nước…

Và sự bùng nổ

Từ thế hệ những “cục gạch”, điện thoại di động được thu lại, nhỏ gọn dần. Càng nhỏ càng sang, càng nhỏ càng đẳng cấp. Nhưng rồi sau đó, lại thấy từ nhỏ chuyển sang to. Đơn cử như với nhãn hàng iPhone, từ iPhone 2G, iPhone 3G; iPhone 3Gs; rồi iPhone 4, 4s; 5, 5s; … đến iPhone 7/7 Plus; 8/8 Plus; Xs/ Xs Max/ Xr; 11, 11 Pro, 11 Pro Max… kích cỡ về cơ bản là lớn và hoành tráng dần. Màn hình thì các hãng máy đều đua từ trắng đen, tiến đến màn hình màu. Các tính năng tích hợp thì càng ngày càng siêu hiện đại. Chiếc di động bây giờ không còn đơn thuần để nghe, gọi, nhắn tin nữa mà đã là cái smartphone – nôm na là điện thoại thông minh – Nó có thể giúp cho chủ nhân ngồi một chỗ vẫn có thể biết cả thế giới, ngồi một chỗ vẫn có thể làm… tùm lum thứ việc. Đến mức tôi dám đoán chắc gần như phổ biến là rất nhiều chủ nhân của những chiếc smartphone có khi còn chưa biết, chưa dùng hết một phần nhỏ các tính năng của chiếc điện thoại mà mình thủ đắc; cho dù họ không ngừng thay máy để theo kịp với đà tăng tiến của công nghệ.

Việc sở hữu một chiếc smartphone để liên lạc, lướt web, hoặc quay phim, chụp ảnh các sự kiện là điều quá dễ dàng đối với nhiều người bây giờ

Điều đặc biệt đáng quan tâm nhất của câu chuyện chiếc điện thoại nói chung và điện thoại di động nói riêng là trong lúc công nghệ không ngừng được nâng cấp, phủ sóng thì đồng thời giá thiết bị lẫn cước phí lại cũng càng lúc càng rẻ. Thậm chí 0 đồng vẫn có thể nghe/gọi âm thanh, nghe/gọi video, hoặc chát chít thoải mái với nền tảng của Zalo, Viber, FaceTime, Messenger… Với đà phát triển như thế, nhiều năm gần đây, chiếc điện thoại để bàn đã dần dần bị “hắt hủi” ra khỏi các tư gia. Các đại lý bưu điện xem chừng cũng chấm dứt dịch vụ gọi điện. Các bốt điện thoại công cộng chưa kịp thể hiện vai trò tôn tạo sự văn minh cho phố thị đã vội rơi vào thế hẩm hiu, quên lãng…

Ngược lại, điện thoại di động lại bùng nổ và lan rộng trong cộng đồng. Mỗi người không chỉ 1 mà có thể có đến vài chiếc di động là thường. Và cũng không ai ngờ, từ thứ gì đó là sang trọng, là xa xỉ thì bây giờ từ thím bán rau cho tới dì chai bao, em vé số… ai cũng có thể có một chiếc di động để liên lạc, để lướt mạng những khi rỗi rãi cho đỡ buồn. Thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, số lượng thuê bao di động năm 2021 ở nước ta ước đạt 123,76 triệu. Trong đó, có 92,88 triệu thuê bao là smartphone, chiếm khoảng 75%. Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia có số lượng người dùng smartphone lớn nhất thế giới. Đó như là một “chỉ số” cho thấy sự phát triển ngoạn mục của nền kinh tế – xã hội đất nước. Ở chiều ngược lại, chính sự bùng nổ của viễn thông đã tác động rất tích cực đến sự phát triển nhiều mặt của kinh tế – xã hội nước nhà.

Chỉ mới chừng hai thập kỷ mà những ký ức về chiếc điện thoại cứ ngỡ như cổ tích. Chiếc smartphone bây giờ “thu cả thế giới” về cho mỗi người nhưng cũng có khi khiến cho mỗi người như trở thành một “hoang đảo” giữa thế giới tươi đẹp. Cả ngày đi làm, đi học, tối về nhà mỗi người lại dán mắt vào màn hình. Rồi vô số những cạm bẫy, những thông tin độc hại bủa vây từ những chiếc màn hình nhỏ xinh ấy… Một sự quản lý khoa học và chặt chẽ từ cơ quan hữu trách là cần thiết. Nhưng trên hết và trước hết, nó đòi hỏi sự tỉnh táo, bản lĩnh và trách nhiệm từ phía người dùng.

Bài, ảnh: DIÊN THỐNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …