Kinh nghiệm xanh rì rào…

Một phần Huế nhìn từ trên cao

Tôi nể ai đó nghĩ ra cái slogan “Huế luôn mới”. Quả là tài tình. Nó đăng đối một cách sắc gọn, và thay đổi lớp vỏ ngữ nghĩa, vốn luôn ám định về một xứ Huế “trầm mặc, cũ càng”. Từng để lại những tháng năm tuổi trẻ ở Huế ngót bốn mươi năm về trước, rồi bao tháng năm dan díu đi về, tôi có cảm giác như mình có thể lắng nghe được thanh âm của giọt nước dưới lòng Hương giang, và cuộc trò chuyện bất tận của từng phiến lá biếc trên đầu. Không phải hoài niệm, mà bởi tôi luôn được đánh thức cảm giác tươi mới mỗi khi về Huế. Có lẽ tôi đã học được từ Marcel Proust – một thiên tài về cảm thức thời gian, rằng khám phá đích thực không phải là tìm kiếm miền đất mới, mà chính là có một “đôi mắt mới”.

“Đôi mắt mới”, hay nói như thi sĩ Văn Cầm Hải từ thời còn rất trẻ, là “tư duy tim đổi mới”. Trong câu thơ nổi tiếng “Tôi nằm dưới bóng râm thời trang/kinh nghiệm xanh rì rào thành phố…” (Kinh nghiệm xanh).

Mới, có phải chỉ là hiện đại? Và cứ quá khứ là cũ? Thế giới nay có vẻ đã “chán” hiện đại rồi. Hiện đại/mới theo nghĩa nặng về công nghệ, công nghiệp, tiện lợi tiêu dùng cho đến tư duy lập trình hóa. Giờ đây mỗi ngày tôi phải “tập nhớ”. Nhớ những câu thơ thay vì google. Nhớ một địa chỉ, một con đường thay vì mở google map. Nhớ một vài số điện thoại quan trọng hay cái mật khẩu thay vì mở smartphone ra cóp dán. Tập nhớ lại để thuộc từng chữ cái tên một nhà văn nước ngoài. Tập viết ra giấy những dòng chữ thay vì gõ máy. Tập nhớ việc sử dụng đôi chân thay vì cứ chốc lát lại lên xe… Những điều vốn là kỹ năng cũng chính là bản năng nguyên thủy của loài người qua triệu năm, mà chỉ sau hơn hai thập kỷ qua con người giờ phải bắt đầu học lại.

Mới, nhưng phải có bản sắc của mới. “Bình thường mới” là từ rất sáng tạo, trong bối cảnh loài người đương đầu với đại dịch vừa qua. Nhưng tôi cho rằng “bình thường mới” ở đây có thể hiểu là mới một cách không bình thường. Huế và chúng ta luôn mới, và phải biết mới một cách “không bình thường”. Mới không giống những nơi khác. Đó mới là điều khó. Như người thực hành sáng tạo, không thể copy đơn giản thứ của người khác.

Tôi biết Huế đã và đang hướng tới cái mới trong sự hòa giải khôn ngoan và chân thành giữa quá khứ với hiện đại. Đổi mới bằng tư duy của trái tim. Bằng “kinh nghiệm xanh”. Xanh không phải non, mà là trẻ trung sức sống, là cái vị lai đã được chiêm nghiệm, chắt lọc từ quá khứ, song hành cùng quá khứ.

Khái niệm “Công nghiệp văn hóa” đã trở nên quen thuộc với thế giới, và nước ta cũng đã có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tầm nhìn đến năm 2030. Nhưng với Việt Nam, và đặc biệt là Huế, không thể phát triển văn hóa, du lịch (một cách) công nghiệp. Với những thứ đồ sộ tân thời, hào nhoáng, hời hợt ăn liền…

*

Cuộc đi tìm Phan Khôi của tôi ở Huế dạo nào, cũng từ nỗi cuốn hút bởi hai chữ Sông Hương. Giờ đây Huế có thể tự hào với tạp chí Sông Hương, tuy thăng trầm có lúc khác nhau, nhưng luôn mới và “chịu chơi” với cái mới so với hầu hết tạp chí văn nghệ các địa phương. Nhưng ở Huế từ mùa thu cách nay 86 năm (năm 1936) đã có tuần báo mang tên Sông Hương do Phan Khôi sáng lập và một mình xoay xở. Dẫu chỉ chính thức tồn tại được 8 tháng với 32 số (dưới sự trực tiếp điều hành của Phan Khôi), nhưng đây trở thành diễn đàn lớn của giới trí thức, văn nghệ, với sự góp mặt của hầu hết những tên tuổi lừng danh nhất cả nước thời ấy. Khiến Ông già Bến Ngự Phan Bội Châu hào hứng ngồi trên sông Hương đọc báo Sông Hương “Lơ lửng trên thuyền giở báo coi”, để rồi cảm khái “Bà em nhà vạn, này này hỏi/Sự sống ngày nay khác trước chăng?”.

“Người tranh luận/người dựng xây/người vẽ tranh tĩnh vật” (Nguyễn Trọng Tạo, Ấn tượng Huế). Huế là vậy. Trong tiểu thuyết Trăng hoàng cung của Phùng Quán – một người con xứ Huế, có đoạn thú vị “Mưa Huế trả lời trong tiếng rơi sầm sập/Làm gì có chừng mực thơ!Làm gì có chừng mực mưa!/Làm gì có chừng mực yêu!/Làm gì có chừng mực thiên tài!…”. Nên chỉ riêng với giới văn nghệ sĩ Huế đương đại không khó để kể ra không ít cái tên nổi bật với tinh thần tiền phong đổi mới, cách tân.

Học giả Phạm Quỳnh, trong bút ký “Trên sông Hương” từ những thập niên đầu thế kỷ trước, kể về cảm xúc vào một đêm trăng thanh mùa hạ nghe ca Huế trên con thuyền tam bản giữa dòng Hương giang. “Đầu tiên là sự trầm cảm của toàn thể con người, nỗi buồn thảm thắt ruột gan chiếm lĩnh ta tới tận đáy thẳm, nó tiêu hồn…; từ đó sinh ra một thứ say… Nhưng tiếp theo sự trầm cảm này, nhanh chóng có sự hứng khởi: một đà háo hức đánh thức ta dậy, ra khỏi sự đờ đẫn, nó dâng lên trong ta một nhiệt tình cao độ…” (sách Phạm Quỳnh: Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932, NXB Tri Thức, 2007, trang 32, bản dịch tiếng Việt của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh).

Tôi nghĩ, chỉ với những cái nhìn, cảm nhận sâu sắc đầy chất “kinh nghiệm xanh” như vậy, mới có thể hiểu tận cùng những cung bậc Huế.

Như chỉ có thể, với riêng Huế “Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”.

Bài: Trần Tuấn

Ảnh: Hoàng Phước

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Chắp cánh ước mơ

“Chắp cánh ước mơ” là câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình vượt lên …