Bên kênh Hà Trữ – nơi 3 anh em (từ trái sang): Lê Anh Kha – Lê Xuân Sỹ – Lê Xuân Toàn bị bắt
Làng Hà Trữ (điểm cuối làng Kênh Tắc) của xã Vinh Thái trong chiến tranh là một trong những tuyến hành lang của huyện Phú Vang.
Câu chuyện thảm sát ở Hà Trữ tôi nghe đã lâu, nhưng sau khi đọc lại hồi ký của ông Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, tôi giật mình trước chi tiết: “Sau Mậu Thân, Mỹ và tay sai đã trả thù rất dã man, chúng bao vây bắn chết hơn 250 đồng bào ở Huế tản cư ra nông thôn Phú Vang, bị chúng đuổi ra kênh Hà Trữ rồi giết sạch” (Trích trang 141 cuốn Đời người cách mạng – NXB Thuận Hóa 2000).
Vì số người thiệt mạng quá lớn nên tôi cất công tìm hiểu và đã gặp những người may mắn còn sống sót. Đó là các ông: Lê Xuân Sỹ (sinh năm 1946, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Lợi – Huế); Lê Anh Kha (sinh năm 1948, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thừa Thiên Huế) và Lê Xuân Toàn (sinh năm 1950, nguyên cán bộ Đài Phát thanh Bình Trị Thiên).
Ba người là anh em ruột, quê ở làng Lang Xá Bàu, xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy. Trước năm 1968, họ đều là cơ sở hợp pháp hoạt động ở nội thành. Xuân 1968 thoát ly và đều bị bắt ngày 28/3/1968 nhằm ngày 30 tháng hai năm Mậu Thân tại làng Hà Trữ nay thuộc xã Phú Gia, huyện Phú Vang.
Ông Lê Xuân Sỹ kể: Đêm 23/3/1968, đoàn chúng tôi nhận lệnh lên xanh.
Trước khi lên đường, ai có vũ khí đều bàn giao lại (trừ Đội trưởng Trần Duy Lan có mang theo súng ngắn). Ngoài tư trang, chúng tôi chỉ mang theo mỗi người một ruột tượng gạo.
Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đều được quán triệt tinh thần “ngày nghỉ đêm đi”.
Đêm đó, từ Lang Xá Bàu chúng tôi được dẫn sang làng Tây Hồ của xã Phú Đa. Vì không có giao liên nên tới, lui nhiều đợt.
Khi đang ở làng Lương Viện, chúng tôi nghe tin địch mở trận càn lớn, dù ban ngày nhưng vẫn phải đi. Để tránh bị máy bay phát hiện, đoàn phân thành từng nhóm nhỏ, đến quá trưa ngày 28/3/1968 mới về đến làng Hà Trữ. Tôi đi trong nhóm sau cùng. Tại đây tôi bắt đầu nghe tiếng súng nổ. Bộ đội hai bên giao thông hào đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Ông Lê Anh Kha kể:
– Tôi đi trong nhóm đầu nên đến sớm. Khi 4 anh em tôi đang ngồi nghỉ trong nhà dân bỗng nghe tiếng động bất thường. Nhìn ra cánh đồng thấy khói đạn màu bay lên.
Chúng tôi được lệnh ngồi yên, nhưng đến khi từng chiếc HU-1A thi nhau phóng rocket, nã đại liên vào khu vực chúng tôi đang ở, không ai bảo ai, theo bản năng đều chạy tán loạn.
Ông Trần Duy Lan chạy trước, tôi và hai anh: Ngô Viết Toan, Ngô Viết Tuân chạy theo sau. Chạy được một quãng, ông Lan bị trúng đạn, hy sinh tại chỗ. Còn 3 chúng tôi đều lao được xuống kênh Hà Trữ! Tôi nấp sát bờ và chỉ kịp vơ vội ít bèo để ngụy trang.
Ông Lê Xuân Sỹ kể:
– Khi nghe súng nổ, không rõ từ đâu anh chị em dồn lại rất đông. Khi chạy qua trại vịt giữa đồng, không rõ từ đâu đại liên xả đạn tới xối xả. Chạy một quãng, tôi nghe tiếng pháo nổ. Ngoái lui, trại vịt bốc cháy.
Băng qua cánh đồng, do phía trước chỉ nước và nước nên không thể chạy thêm được nữa. Một số chị em đang bơi liền bị máy bay lao tới xả đạn.
Để tránh đạn, tôi lặn xuống bờ kênh ẩn nấp (bây giờ mới biết đó là kênh Hà Trữ dẫn nước từ sông Thiệu Hóa vào tưới cho các cánh đồng).
Lúc này 4 chiếc HU-1A xuất hiện, chúng bay từng cặp, thay nhau bắn giết.
Hơn 1 tiếng sau, bầu trời ngớt tiếng máy bay, tôi tiếp tục bò đi, tình cờ gặp chị Lê Thị Sen và em tôi là Lê Anh Kha.
Chưa kịp mừng, không rõ từ đâu có quả M.79 rơi xuống. Đạn nổ làm hai anh em tôi bị thương. Kha bị thương nặng nên được chị Sen băng bó.
Chuẩn bị rời đi, từ trên bờ một tốp lính chĩa súng xuống. Ba chúng tôi bị biệt động quân bắt và dẫn đi. Trên đường vào làng nhìn xuống cánh đồng la liệt tử thi.
Ông Lê Xuân Toàn kể:
– Khi đang ở trong nhà dân ở làng Hà Trữ, nghe tiếng súng nổ, tôi chạy đại ra cánh đồng.
Nấp vào bờ giường của soi ruộng sâu, nhìn lên bầu trời, tôi đếm có tới 10 chiếc máy bay, gồm: 4 chiếc HU-1A; 2 chiếc F-4; 2 chiếc Srusader và 2 máy bay cứu thương.
Khi những chiếc HU-1A sà thấp, tôi thấy, ngoài xạ thủ đại liên còn có biệt động quân vì họ mặc quần áo rằn ri và đội mũ beret màu nâu.
Hai chiếc bay so le, đại liên từ hai bên cửa xả đạn.
Thỉnh thoảng có chiếc dừng hẳn như lơ lửng treo trên không trung để tốp lính nhoài người ra dùng tiểu liên cá nhân AR15, súng cối cầm tay M79 bắn và ném lựu đạn M26 vào đoàn dân công – những người con gái trong tay không hề có một tấc sắt đang chạy tán loạn giữa cánh đồng.
Tiếng súng chỉ ngưng khi không còn tiếng khóc, tiếng la từ cánh đồng hoang vọng lên. Cảnh tượng hãi hùng và bạo tàn ấy mãi đến bây giờ vẫn còn ám ảnh trong tôi.
Ẩn nấp cách đoàn nữ dân công bị sát hại chưa đầy 300 mét, sợ đến lượt mình nên tôi tìm cách thoát…
Chạy được một quãng, gặp con đê. Định chạy tiếp nhưng chân tay tôi bủn rủn vì phía trước đã có 2 chiếc tàu hải quân đã án ngữ. Bây giờ tôi mới biết đó là đầm Hà Trung.
Cùng đường, tôi nằm yên tại chỗ và cuối cùng bị “dính” mảnh M79. May chỉ bị thương nhẹ ở phần mềm tay, chân. Kiệt sức, tôi bị bắt cùng nhiều người khác.
Trước khi đưa chúng tôi đi, chúng kéo lê một người, mặc áo quần bộ đội, trên vai còn khoác1 khẩu súng AK và sau lưng mang 3 băng đạn. Người bộ đội ấy đã bị gãy chân. Một tên biệt động quân tước lấy khẩu AK. Sau khi bắn lên trời, lắp băng đạn khác, hắn rê nòng súng vào anh thương binh, lạnh lùng bóp cò.
Ông Lê Xuân Toàn kể tiếp:
– Chiều tối hôm đó, chúng tôi được đưa đến nhà thờ Hà Trữ và bị giam trong một đoạn giao thông hào ở phía trước (Ngôi thánh đường này nay không còn, vì đã bị bom hủy diệt trong chiến tranh).
Sáng hôm sau, chúng tiếp tục dẫn chúng tôi đi, trong số đó có một anh bộ đội bị thương sưng vù cả hai mắt.
Không một lời giải thích, viên đại úy (có lẽ là tiểu đoàn phó) biệt động quân liền rút khẩu súng Col 45 bắn từng phát một từ chân đến đầu và kết thúc bằng 1 băng đạn AR15. Đạn nổ, thi thể anh bộ đội rung lên bần bật. Không chỉ tôi mà 14 người bị thương hôm ấy đều chứng kiến cảnh tượng dã man này.
Chưa hết, trước khi được đưa đi, đoàn 14 người bị thương, chúng tôi được viên quân y phát cho mỗi người được một thẻ nhập viện. Chúng tôi lạnh xương sống vì chính viên đại úy đó đã dùng lưỡi lê tự tay mình cắt đứt từng tấm thẻ mà mỗi chúng tôi đang đeo trước ngực, kèm theo đó một khẩu đại liên 30 được mang đến, nòng súng hướng về phía chúng tôi.
Chưa kịp ra tay, bất ngờ có mấy viên sĩ quan của Trung đoàn 3 của Sư đoàn I Bộ binh xuất hiện. Họ đứng ngay đầu họng súng. Hai bên cãi vã to tiếng; có lẽ viên đại úy biệt động quân sợ đưa ra tòa án binh nên cuộc hành quyết đã không xảy ra.
Ngoài 3 anh em: Sĩ – Kha – Toàn, cùng bị bắt ở Hà Trữ hôm ấy, hiện còn có ông Hồ Đắc Lợi, sinh năm 1950, quê ở thôn Dưỡng Mong, Phú Mỹ, huyện Phú Vang (sau giải phóng là cán bộ An ninh Phú Vang) kể:
– Tôi tham gia cách mạng đầu xuân 1968 và hoạt động trong Đội An ninh do ông Hồ Ngọc Ba làm Đội trưởng. Đội có chừng 30 người.
Xuân Mậu Thân, tôi hoạt động từ Vỹ Dạ về chợ Nọ – Phú Dương. Cả Đội bám địa bàn, mãi đến ngày 25/3/1968 mới rút dần về Phú Hồ, Phú Xuân, Vinh Thái. Tại Vinh Thái, Đội đóng quân ở làng Dưỡng Mong A.
Sáng 28/3/1968, tôi và 2 anh: Dẫn, Dần (quê ở thôn An Lưu, xã Phú Mỹ) được đội phân công lên vùng Phú Xuân nắm tình hình địch càn quyét để về báo cho đơn vị. Gần trưa, trên đường trở về, gần nơi chúng tôi đang đi có khói đạn màu do máy bay trinh sát OV10 thả xuống và tiếp đó là tiếng súng nổ vọng lên từ xa.
Đang chần chừ, không rõ từ đâu từng đoàn người nối nhau chạy thục mạng qua nơi chúng tôi đang đứng và chỉ kịp nghe lời thúc giục: “Chạy đi, chạy mau đi, lính tới”!
Thay bằng trở về đơn vị, cả ba chúng tôi nhập đoàn đang từ Huế về. Đoàn do ông Võ Đại Triền, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hữu ngạn phụ trách.
Khi chạy qua làng Hà Trữ nhìn hai bên giao thông hào tôi thấy anh em bộ đội K4 đang sẵn sàng chiến đấu.
Đầu giờ chiều khi tất cả dồn ứ tại đồng Hà Trữ thì ở phía làng đã vang lên tiếng súng.
Khoảng một tiếng sau, khi đã ẩn nấp bên bờ kênh, tôi thấy 2 chiếc máy bay “cá lẹp” sà thấp bắn về hướng chúng tôi.
Đến lượt máy bay quay trở lại lần hai bắn, tôi bị trúng đạn. Phát hiện tôi bị thương, anh Sơn (tôi có hỏi quê quán, đơn vị nhưng anh không nói) đã dùng băng cá nhân của mình băng bó bả vai cho tôi.
Máy bay ngưng bắn, biệt động quân lội xuống kênh lùng sục. Tôi và anh Sơn cùng bị bắt.
Trong câu chuyện, ông Lợi cho biết, khi đang điều trị ở Mang Cá, ông đã gặp ông Triền.
Tìm đến ngôi nhà ở số 7/91 đường Thạch Hãn – Huế và xin phép thân nhân chụp lại di ảnh ông Võ Đại Triền.
Ông Võ Đại Triền sinh năm 1926, quê ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy. Ông qua đời năm 2021, sau khi nhận huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Qua tìm hiểu tôi được biết, ngoài ông Võ Đại Triền, Đoàn của Quận ủy Hữu ngạn – Huế bị bắt chiều 28/3/1968 ở Hà Trữ còn có ông Phan Thế Kháng (nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế đã qua đời) và nhiều người khác.
(còn nữa)
Phạm Hữu Thu
Kỳ 2: Cần công nhận di tích lịch sử