Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Ảnh: baochinhphu.vn
Trong thời gian ngắn, các tổ chức chống đối bên ngoài, một số hãng truyền thông thiếu thiện cảm với Việt nam như: RFA, RFI, VOA, Nhà báo không biên giới, Việt Tân đã đưa ra những luận điệu xuyên tạc không đúng sự thật, bình luận theo ý đồ chủ quan. Nội dung phản đối xoay quanh về quyền được ghi âm, ghi hình, livestream… tại phiên tòa. Chúng cho rằng quyền tự do báo chí bị “hạn chế tối đa”, “ngăn cản bằng hình thức xử phạt quá nặng với tác nghiệp của nhà báo”, “bịt miệng báo chí trong khi xét xử thiếu khách quan”… Quay phim, ghi âm là “quyền của công dân”, “buộc tội công dân vô căn cứ nếu không cho ghi âm”, “không tôn trọng tự do công dân trước tòa”… Một số người dưới danh nghĩa báo chí viện dẫn những quyền theo Luật Báo chí, cho rằng, quy định đã cấm cản không đúng, vi phạm luật, vi phạm quyền của nhà báo…
Vậy phải xem xét vấn đề thế nào cho đúng?
“Pháp lệnh Xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng” là bước tiếp theo của các bộ luật tố tụng hình sự, dân sự và hành chính về các hành vi gây cản trở cho hoạt động tố tụng. Các luật trên đã có quy định những hành vi vi phạm nhưng chưa có chế tài xử phạt, pháp lệnh mới này là bổ sung về mức độ xử lý. Trong các luật đã quy định: “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Ghi âm, ghi hình đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”. Như vậy, quy định ở đây không cấm ghi âm, ghi hình mà phải xin phép và được chủ tọa phiên tòa đồng ý. Cố tình đưa ra cho rằng không cho tác nghiệp chỉ là ngụy biện, xuyên tạc, cố tình nêu ra để kích động cái gọi là quyền tự do của nhà báo.
Mỗi nhà nước có tính chất khác nhau có thể đưa ra những quy định để điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ của công dân với hoạt động tố tụng. Nhà báo hay bất cứ công dân nào cũng đều phải chấp hành pháp luật, không có “đặc thù” hay “miễn trừ”. Chúng cố tình đưa ra Luật Báo chí và quyền công dân nhưng các quyền này phải hợp pháp, không trái với các luật hiện hành. Quyền tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các nội dung này do pháp luật quy định”. Khi thực hiện quyền tự do báo chí dù là công dân hay nhà báo đều phải tuân thủ quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng và công dân khi tham gia phiên tòa có đặc thù riêng và được pháp luật quy định bảo vệ quyền lợi đó. Không thể lấy “quyền” của mình để áp đặt, loại bỏ quyền của người khác. Điều đó là hết sức phi lý.
Trong các cơ quan Nhà nước có tính chất đặc thù riêng, khi thực hiện chức năng được Nhà nước giao. Không thể có quyền tự do vô tổ chức khi can thiệp vào công việc của cơ quan chuyên môn, nhất là tòa án có quyền nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giả sử ai đó muốn vào nhà người khác làm gì phải được sự đồng ý của chủ nhà, không thể cho mình có “quyền tự do” vô tổ chức, muốn làm gì thì làm. Tòa án nói chung hay phiên tòa xét xử có tính chất riêng biệt, cần phải được tôn trọng chức năng, quyền hạn theo luật. Tòa án khi tiến hành xét xử theo luật quy định nên phải được tuân thủ nội quy nhằm tránh ảnh hưởng tâm lý, phân tâm của Hội đồng xét xử. Hơn nữa, người tham gia tố tụng, kể cả bị cáo cũng phải được tôn trọng quyền công dân, bí mật đời tư khi chưa bị tước hết quyền. Ngay cả các vụ án về bí mật Nhà nước, xét xử án kinh tế, hôn nhân gia đình, những vụ án hiếp dâm… không thể đưa những bí mật riêng ra công khai trong điều kiện thông tin bùng nổ, nhạy cảm như hiện nay. Đó chính là nhân quyền cao nhất mà Nhà nước Việt Nam đang thực thi.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH