Khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng lãnh đạo

Thời thuộc Pháp, vùng đất Ba Tơ được mệnh danh là rừng thiêng, nước độc hiểm trở, đường sá đi lại rất khó khăn. Cuối năm 1940, thực dân Pháp đã chọn nơi đây để xây dựng nhà tù trá hình mà chúng gọi là căng an trí (nơi an trí tù chính trị) để giam giữ những người cộng sản và chiến sĩ yêu nước sau khi đã mãn hạn tù từ các nhà lao Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Quảng Ngãi trở về nhằm tách họ ra khỏi phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, dùng môi trường sống khắc nghiệt và chế độ kìm kẹp hà khắc để hủy hoại về thể xác.

Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ ở thị trấn huyện lỵ Ba Tơ (Quảng Ngãi).Ảnh: dangcongsan.vn

Nắm bắt thời cơ, hành động kiên quyết

Mùa xuân năm 1942, một chi bộ Đảng đã ra đời tại căng an trí. Những người ở căng cứ giả vờ bị bệnh lao nặng để được sống cách ly dưới thuyền. Hằng ngày, họ được phép dùng thuyền ra khúc sông Liên để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Thực chất là để tổ chức in ấn tài liệu, truyền đơn và tổ chức cuộc họp. Lúc này, cơ sở Đảng của tỉnh cũng dần được củng cố, phong trào cách mạng ngày càng lan rộng. Đến cuối tháng 12/1944, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp chiếm Đông Dương. Lợi dụng thời cơ chính quyền địa phương của Nhật còn chưa tới, tổ chức Đảng ở Ba Tơ đã lập ra Ủy ban Khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng phá “căng” giành chính quyền. Chiều 11/3/1945, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Khởi nghĩa, Nhân dân địa phương với sự hỗ trợ của những người làm công tác binh vận kéo về huyện lỵ Ba Tơ. Một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động, sau đó biến thành cuộc tuần hành, hô vang các khẩu hiệu: “Đánh đuổi phát xít Nhật”, “Tẩy sạch phát xít Pháp”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”… Thừa thắng xốc tới, lực lượng khởi nghĩa chuyển sang bao vây đồn Ba Tơ.

Dưới áp lực của lực lượng khởi nghĩa, toàn bộ binh lính trong đồn hạ vũ khí đầu hàng, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh gọn. Tin về khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi lan đi các nơi. Nhân dân các dân tộc kéo về đây tham gia cuộc mít tinh vào đêm 11 rạng sáng 12/3. Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xoá bỏ chính quyền địch, lập Ủy ban nhân dân Cách mạng châu Ba Tơ, ra Thông báo số 1 của Ủy ban nhân dân Cách mạng, kêu gọi đồng bào đoàn kết tham gia công cuộc giải phóng, thành lập đội du kích Ba Tơ gồm có 28 đội viên. Khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và giành thắng lợi nhanh chóng đã mở ra cao trào khởi nghĩa từng phần ở Quảng Ngãi, Trung và Nam Trung Bộ, có tác động to lớn đến phong trào cách mạng ở các tỉnh thuộc khu V.

Nhận xét về thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang Ba Tơ, Thượng tướng Trần Văn Quang viết: “Xa sự chỉ đạo của Trung ương, nhưng các đồng chí cộng sản ở Ba Tơ, Quảng Ngãi đã nắm và vận dụng sáng tạo Nghị quyết 8 của Trung ương (5/1941), làm nên một kỳ tích mà nhiều nơi tuy cũng có tình thế cách mạng như vậy đã không làm được. Theo tôi, được như vậy, là vì các đồng chí có tầm nhìn, nắm bắt được thời cơ, hành động kiên quyết và kịp thời. Và tất nhiên là việc đó đã được chuẩn bị kỹ về các mặt từ trước nên mới có thể tiến hành đúng thời cơ và thắng lợi”. (Nguyễn Chánh – Con người và sự nghiệp, Nxb QĐND, H, 1997, tr.194-195).

Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc” .Ảnh tư liệu

Đội du kích Ba Tơ

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ gắn liền với Đội du kích Ba Tơ, lực lượng vũ trang đầu tiên của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi được Đảng trực tiếp tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo. Tuy nhiên, đứng trước tình hình đội du kích Ba Tơ mới thành lập còn non trẻ không thể nào đối đầu được với quân Nhật, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ thị cho đội tạm thời rút vào hoạt động bí mật.

Chiều 14/3, toàn đội hành quân ngược dòng sông Liên để đánh lừa sự theo dõi của mật thám Nhật. Đến khuya lại xuôi dòng dừng chân tại bãi Hang Én để làm lễ tuyên thệ thề hy sinh vì Tổ quốc và thề làm tròn ba nhiệm vụ của cách mạng. Sau lễ tuyên thệ, đội bí mật hành quân về chiến khu Cao Muôn để xây dựng lực lượng. Ở đây rất thuận lợi cho việc trú ẩn, tập luyện nhưng do xa cách với các bản làng nên việc tiếp tế lương thực và tuyên truyền cách mạng gặp khó khăn. Do đó, đội du kích Ba Tơ chuyển về căn cứ Nước Sung, Nước Lá, Hang Vọt Rẹp để tiếp tục xây dựng lực lượng, vận động đồng bào dân tộc địa phương đứng lên chống Nhật.

Cuối tháng 5 đầu tháng 6/1945, Đội Du kích Ba Tơ phát triển mạnh, thành lập hai đại đội. Đại đội Phan Đình Phùng, gồm 13 đội viên đóng quân ở chiến khu Vĩnh Sơn, Vĩnh Tuy, Sơn Tịnh. Đại đội Hoàng Hoa Thám, gồm 10 đội viên đóng quân ở chiến khu Núi Lớn, Mộ Đức để tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng đánh Nhật và lập nên những chiến công vang dội, góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Cách mạng tháng Tám năm 1945, Quảng Ngãi là tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Từ 28 đội viên đầu tiên của đội du kích Ba Tơ đã phát triển thành hàng nghìn đội viên, trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang khắp các tỉnh Nam Trung bộ chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, Hạ Lào, đông bắc Campuchia. Nhiều chiến sĩ của đội trở thành những cán bộ cấp cao, những tướng lĩnh xuất sắc trong quân đội, như Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Nguyễn Đôn.

Đội du kích Ba Tơ không những là tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu V, mà còn là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Năm 2010, Đội du kích Ba Tơ được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

ĐÌNH NAM

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Một học sinh đuối nước trên sông Bồ

Lực lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ- ảnh PCCC Khoảng 9 giờ …