Khó quản lý, xử lý rác thải xây dựng

Người dân tự ý đổ rác xây dựng tại những lô đất trống chưa có nhà ở tại các khu quy hoạch

Bừa bộn rác thải xây dựng

Dạo một vòng quanh các tuyến đường mới, khu đô thị mới, nơi mật độ dân cư còn thưa thớt, đâu đâu cũng xuất hiện từng đống rác thải xây dựng. Nhất là những đoạn đường như Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, Ngự Bình, KQH Bàu Vá… ở TP. Huế, dù được đặt bản biển cấm đổ rác, nhưng rác xây dựng và nhiều thứ rác lộn xộn cồng kềnh khác vẫn chất đống, tràn ra đường. Không riêng khu vực thành thị, tại hầu hết các khu đất trống, khu đô thị mới hình thành ở trung tâm huyện, thị xã, đâu đâu cũng ngổn ngang rác thải xây dựng.

Có nhiều văn bản quy phạm về xử phạt hành vi đổ trộm, đổ bừa bãi rác xây dựng không đúng nơi quy định, song việc phát hiện, xử lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Bất cập hiện nay là quy định xử phạt, mức phạt tăng lên, nhưng lực lượng kiểm tra, giám sát, phát hiện lại thiếu và yếu. Bằng chứng ghi lại hành vi vi phạm vẫn còn hạn chế, chưa đủ năng lực cung cấp thông tin. Thậm chí, nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ quy định về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm về thu gom, xử lý rác thải xây dựng.

Đại diện Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế chia sẻ, loại rác này đơn vị không có trách nhiệm phải thu gom. Nhưng đôi lúc công ty vẫn bị phản ánh “oan” do tình trạng rác thải xây dựng đổ bừa bãi, tràn lan ở những nơi công cộng, khu quy hoạch… Nhiều công nhân thu gom rác thải sinh hoạt cảm thấy “ức chế”, “dở khóc dở cười” khi nhiều người dân còn thiếu ý thức hoặc chưa hiểu rõ quy định quản lý, xử lý rác thải xây dựng nên vẫn ngang nhiên đổ rác thải xây dựng ra đường và rồi “yêu cầu” lao công phải dọn sạch.

Ngoài khó khăn trong công tác thực thi, nan giải chung hiện nay của nhiều địa phương là khó tìm điểm quy hoạch bãi xử lý rác thải xây dựng. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, các địa phương còn lúng túng trong việc chọn địa điểm làm khu xử lý chất thải rắn xây dựng (CTRXD) cũng như tổ chức xây dựng, quản lý vận hành các vị trí được chọn làm khu xử lý. Tính đến nay, các địa phương đã chọn được địa điểm để làm khu xử lý CTRXD tại địa phương, tuy nhiên các khu vực đã được chọn để làm khu xử lý lại chưa được triển khai đầu tư xây dựng, tổ chức vận hành.

Hiện nay, địa bàn TP. Huế mở rộng chưa có cơ sở xử lý CTRXD, UBND TP. Huế chưa lựa chọn vị trí, bổ sung quỹ đất làm cơ sở tập kết, xử lý CTRXD vào quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết và bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất.

Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, TP. Huế và các Ban QLDA phải lập kế hoạch quản lý CTRXD trước khi triển khai. Nhưng, các chủ dự án, chủ nguồn thải và địa phương chưa tuân thủ quy định về việc lập kế hoạch quản lý CTRXD theo mẫu quy định của Bộ Xây dựng, dẫn đến nhiệm vụ của UBND cấp huyện trong việc hướng dẫn vị trí đổ thải đối với CTRXD còn lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề và đổ thải tùy tiện.

Giải pháp quản lý, xử lý “dài hơi”

Để ngăn chặn tình trạng đổ trộm, đổ bậy rác thải xây dựng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng chế tài xử phạt cũng như tăng cường công tác giám sát chủ nguồn thải CTRXD vận chuyển và xử lý; phối hợp với Sở Giao thông vận tải xây dựng và ban hành quy định quản lý đối với loại phương tiện để vận chuyển chất thải rắn, trong đó có CTRXD.

Về phía cấp huyện, hướng dẫn và giám sát chủ nguồn thải công tác tổ chức phân loại CTRXD tại nơi phát sinh (tại công trình xây dựng), không để lẫn lộn các loại chất thải rắn với nhau; xây dựng và vận hành các khu xử lý CTRXD tuân thủ quy hoạch và đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Trên thực tế, rác thải xây dựng chiếm thể tích rất lớn, nên với quy mô diện tích quy hoạch mỗi địa phương là 1ha theo kế hoạch đề xuất thì e rằng sẽ rất nhanh lấp đầy, trong khi hiện nhiều địa phương vẫn chưa tìm được quỹ đất hợp lý để bố trí. Để giải quyết căn cơ rác xây dựng, việc tận dụng, tái chế nguồn nguyên liệu thay thế, trong đó có rác thải xây dựng hoàn nguyên thành vật liệu xây dựng mới vẫn là giải pháp khả thi nhất, đem lại nhiều lợi ích khi vừa giải quyết vấn nạn đổ trộm, tiết kiệm quỹ đất, vừa giải quyết tình trạng chênh lệch cung – cầu khi nguồn cát sỏi làm vật liệu xây dựng, san nền đang khan thiếu.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, lượng rác thải xây dựng trên toàn tỉnh năm 2020 khoảng 78.840 tấn; năm 2025 hơn 81.760 tấn và năm 2030 tăng lên khoảng 84.700 tấn. Nếu tập trung nghiên cứu, đầu tư máy móc, công nghệ để tận dụng tái chế loại rác này thành vật liệu cát sỏi xây dựng sẽ góp phần giảm áp lực cho nguồn cát sỏi tự nhiên và người dân có cơ hội mua được vật liệu giá rẻ, nhưng vẫn chất lượng.

Vừa qua, Công ty TNHH MTV Long Tường đã sáng chế dàn máy xay và đầu tư dây chuyền máy móc để tận thu đất đá thải, sàng lọc ra từng loại sản phẩm vật liệu xây dựng. “Đầu vào” của mô hình này được cơ sở thu mua với giá rẻ từ các nguồn vật liệu xây dựng lộn xộn, xà bần, đất đá thải từ các mỏ đá trên địa bàn. Qua hệ thống dàn máy tự chế, những loại đất đá tạp chất, rác thải xây dựng… được xay nghiền, sau đó phân loại qua hệ thống dàn lọc và cho ra 5 loại sản phẩm phục vụ xây dựng. Với mô hình tái chế này, chỉ cần hoạt động quanh khu vực TP. Huế, đảm bảo sẽ tận thu hết lượng lớn rác thải xây dựng trên địa bàn.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …