Tôi ấm ức bật ra câu hỏi đó với chồng rồi mang chỗ đồ ướt trở lại máy giặt. Trong một thoáng tôi đã nhóm lên ý nghĩ nhỏ nhen, rằng mai mốt chẳng việc gì phải giúp ai nữa. Nhưng tính tôi xưa giờ, nếu thấy mình đủ khả năng giúp mà lại ngó lơ, tâm can sẽ áy náy vô cùng. Rồi từ cảm giác áy náy, suy nghĩ sẽ còn nảy sinh nhiều cảm giác khác như dằn vặt, xấu hổ… Thế nên tôi lạc quan nghĩ rằng, chắc hẳn có một lý do bất khả kháng nào đó, nên hôm nay hàng xóm không thể giúp tôi mà thôi…
Hôm nọ tôi vào siêu thị, lỉnh kỉnh hàng hóa lớn nhỏ hơn chục món. Nhân viên thanh toán xong, tôi lùi ra nhường chỗ cho khách hàng kế tiếp. Nhờ thói quen kiểm tra hàng và hóa đơn kỹ lưỡng mỗi lần mua sắm, tôi phát hiện ra trong hóa đơn tính thiếu một món hàng. Số tiền cũng chẳng to tát gì, kể ra mà tôi cứ thản nhiên đi thẳng về nhà cũng chẳng sao. Con người, ai thấy được của mà không ham? Nhưng tôi nghĩ đến hệ quả của hành động ấy. Khi sự thất thoát này được phát hiện, rất có thể toàn bộ nhân viên siêu thị sẽ phải nghe trách mắng. Nếu truy ra người phạm lỗi trực tiếp, thì họ sẽ bị trừ thu nhập gấp nhiều lần số tiền tính thiếu kia, thậm chí bị điều chuyển làm việc khác chẳng hạn… Nghe cô nhân viên rối rít nói lời cảm ơn, ánh mắt chứa chan niềm cảm kích – thời khắc ấy, tôi thấy mình thật đáng yêu.
Tôi có cô bạn lấy chồng cách nhà cả nghìn cây số. Sống ở khu chung cư, hàng xóm đi vắng cả ngày, tối về ai biết nhà nấy nên cô chẳng quen thân ai. Thấy vợ lủi thủi, nhớ quê nhớ bạn bè, chồng cũng hay đưa cô đi chơi, cà phê, ăn uống cùng các gia đình bạn anh. Anh còn kết nối để cô kết thân cùng hội các bà vợ của đồng nghiệp. Nhưng sau vài cuộc gặp gỡ giao lưu, bạn không hứng thú tham gia nữa.
Hỏi chuyện, bạn bộc bạch rằng, bản thân cũng rất muốn có thêm mối quan hệ, thêm môi trường giao tiếp mới. Nhưng cô nhận ra có quá nhiều sự khác biệt về văn hóa, thẩm mỹ cũng như lối sống giữa mình với họ. Bạn hiểu việc nỗ lực thích nghi là cần thiết, nhưng không muốn ép mình bước vào những mối quan hệ nhạt nhẽo, bàng bạc mô hình mà bản thân không cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Nếu cứ cố gắng kết giao, cười nói với nhau rộn rã đấy mà tâm can chẳng có chút ấn tượng hay cảm giác kết nối gần gũi, thương mến nào, thì những cuộc gặp gỡ ấy chẳng khác nào là những màn tra tấn tinh thần lẫn thể xác. Bạn muốn sống thành thật với cảm xúc của chính mình. Tin rằng mỗi một người đều có một loại cảm quan đặc biệt, nó sẽ tự động nhận biết, chọn lọc và đào thải sao cho mọi thứ vừa vặn, phù hợp với mình nhất. Vì thế, không nhất thiết vì muốn hòa nhập mà dối lừa cảm xúc của cá nhân.
Tôi tin rằng, bản tính trung thực chính là chiếc gương phản chiếu lối sống tử tế, cho ta nhận về sự tin yêu của người khác. Đó cũng là cách giúp chúng ta trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình. Quan trọng hơn cả, nó mang lại sự an bằng, vui vẻ trong từng khoảnh khắc sống.
Mai Đình