Sếp giao tôi đề tài làm phóng sự về người cao tuổi đang sống tại một khu đô thị. Tôi kết nối phỏng vấn bác gái tên Nhàn, 65 tuổi vô tình gặp trong lần đi dạo công viên sáng sớm. Sẽ chẳng có gì đáng nói khi hôm nọ ngủ dậy, tôi nhận hơn chục cuộc gọi nhỡ vào lúc 2 giờ sáng từ bác. Tôi băn khoăn, lo lắng nên gọi lại. Giọng bác run rẩy, mếu máo: “Khuya qua bác lại khó ngủ. Buồn chán quá nên gọi con tâm sự. Mấy tháng nay, bác mất ngủ triền miên mà không dám gọi con cái…”. Tôi động viên bác rồi đành ngắt quãng cuộc trò chuyện để đi làm, hẹn qua thăm sau nhưng câu chuyện này khiến tôi ưu tư cả ngày dài.
Người ta thường nhắc tới cụm từ “người trẻ cô đơn”, nhưng tôi lại thấy “người già cô đơn” là vấn đề nan giải không kém, thậm chí còn phức tạp hơn nhiều. Quả thực mà nói, người trẻ có nhiều sự lựa chọn các hình thức vui chơi giải trí, hàng tá mối quan hệ xã giao, sử dụng sự bận rộn công việc,… để giải tỏa nỗi âu lo, khỏa lấp phần nào chênh vênh trong mình. Còn người già – đó là ông bà, cha mẹ chúng ta – những người trong độ tuổi đang âm thầm về bên kia dốc cuộc đời, họ có ít đặc quyền hơn vì kết nối xã hội, sức khỏe, tâm lý,… đầy những hạn chế, khó khăn. Bởi vậy, tôi luôn nghẹn ngào khi ai đó nói, người trẻ bước ra ngoài kia là thế giới bao la rộng lớn; còn thế giới của người già, cha mẹ chính là con cháu, là ngôi nhà, gia đình.
Có lần, tôi nghe người bà con kể có bác gái ở quê nhà cũng khá giả, nhưng con cái đi làm ăn xa. Tiền bạc, thuốc bổ, quà cáp gửi về liên tục nhưng chả mấy khi về thăm, gọi điện hỏi vài câu qua loa rồi thôi, không bù đắp nổi khoảng trống tình cảm trong bác. Bác bảo những thứ vật chất ấy không phải là thứ bác cần nhất, điều bác thật sự mong là đời sống tinh thần, tâm hồn, là được kề cận và thấu hiểu. Có gia đình, con cái đề huề nhưng một mình còm cõi, không ai bên cạnh lúc “trái gió trở trời”, khi “trở tính trở nết” cần được vỗ về, ủi an… Vậy nên bác lên thành phố làm giúp việc nhà và xin ở hẳn nhà chủ để đỡ buồn bực chân tay, cũng như kết nối hội người già cùng chung cư trò chuyện qua ngày đoạn tháng.
Tôi cũng không ngạc nhiên khi nghe những chuyện “cười ra nước mắt”. Có cụ ông thường cầm điện thoại lẩm bẩm một mình y như ai đang gọi tới. Có người cô “ghiền” đi chợ mỗi ngày, mỗi lần tầm… vài tiếng mua là phụ, nhìn ngắm không khí nhộn nhịp sắm sửa, nghe người ta cười nói lao xao là chính… Và trên đường phố nào qua, lòng tôi chợt nhói khi bắt gặp hình ảnh ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” có người ông, người bà vẫn tất bật oằn lưng mưu sinh, lặn lội ngược xuôi với khuôn mặt khắc khổ, chịu cảnh màn trời chiếu đất…
Vì thế, tôi luôn mong những người già neo đơn, khó khăn ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm kịp thời, ý nghĩa từ chính quyền các cấp cũng như toàn xã hội. Những sân chơi, câu lạc bộ thú vị, hữu ích dành cho người cao tuổi thu hút đông đảo thành viên tham gia. Ở đó, họ tìm được người để bầu bạn, đọc thơ cho nhau nghe, cùng thưởng trà, sinh hoạt văn nghệ, cùng ôn lại kỷ niệm “ai cũng một thời trẻ trai”, hàn huyên về sự thành công của con cháu, về các bài tập dưỡng sinh, chế độ ăn uống tuổi xế chiều,…
Trong xã hội hiện đại, người trẻ càng gặp phải áp lực mưu sinh, gây dựng sự nghiệp khiến họ thường rơi vào trạng thái bận bịu. Tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu biết cách cân bằng cuộc sống, có định hướng thứ tự ưu tiên rõ ràng, họ sẽ biết sắp xếp, linh hoạt để luôn có quỹ thời gian cho những người họ yêu thương nhất.
Hãy “lội ngược một dòng nước mắt” để lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm ân cần đấng sinh thành một cách không hề khiên cưỡng. Họ cần người nghe họ than vãn về nỗi lòng, bệnh tật, dằn vặt,… mà không phán xét, khó chịu. Họ cần người thấy họ bơ phờ, xấu xí mà biết cười thương những vết tích thời gian, sự hy sinh vô giá cho gia đình, bỏ lại thanh xuân, bỏ lại đâu đó ước mơ chính mình. Bằng một nụ cười xoa dịu, một câu nói vị tha, sự yêu thương nhẫn nhịn, trái tim sẵn sàng sẻ chia, một cái nắm tay tin yêu, những chiếc ôm thân tình,… Chỉ có như thế mới không phải hối hận nói hai chữ “giá như”, và cũng bởi vì “Dù cho phú quý vinh quang/ Vinh quang không bằng có mẹ”…
Cẩm Cát