Khi đàn sếu không trở lại…

Quý hiếm và nằm trong Sách đỏ, sếu đầu đỏ là niềm tự hào cũng như là biểu tượng của Tràm Chim – vùng đất ngập nước, có diện tích 7.500ha và được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và thứ 4 của Việt Nam. Đầm lầy, các vùng nước nông, các vùng đất ngập nước chua phèn có nhiều cỏ năn là nơi mà sếu đầu đỏ chọn làm nơi cư trú. Thông tin từ VnExpress cũng cho hay, ước tính toàn thế giới hiện có 15.000-20.000 con sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 con sếu đầu đỏ, song đến năm 2014 còn 234 con, năm 2020 ước tính chỉ còn 179 cá thể.

Sự thay đổi và xuống cấp của môi trường sinh thái, những tác động trở lại do mở rộng các khu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cộng với việc lạm dụng hóa chất của con người đã “giành chỗ” của sếu đầu đỏ, và có thể là không ít loài vật cộng sinh khác. Những nỗ lực trong việc phục hồi sinh cảnh ở Tràm Chim cũng đã được thực hiện cuối những năm 2000. Việc trở lại của loài sếu đầu đỏ trong thời gian sau đó đã ghi nhận hiệu quả. Song có vẻ như điều này đã không được duy trì thường xuyên.

Tôi nhớ cảm giác thắc thỏm của mình trong một ngày theo con thuyền len lỏi vào Tràm Chim. Ngày tháng 6 năm đó, tràm cũng đã vắng những cánh hoa hoàng đầu ấn. Trong không gian rộng mênh mông và đầy nắng gió, thi thoảng bắt gặp những con chim còng cọc rũ mình trên các mô đất, lũ chim thiên di bay mê mải giữa trời. Sếu, lúc đó chưa phải mùa và chúng chỉ có thể hiện diện trong khao khát của khách phương xa. Những cánh sếu lúc đó qua chia sẻ của người lái thuyền cũng đã thưa vắng nhiều rồi.

Sau này, trong những chuyến theo đò ngang, đò dọc hay len lỏi giữa các triền phá Tam Giang – Cầu Hai, tôi vẫn thường dõi mắt nương theo những cánh chim trời. Chưa có tên trong sách các khu đất ngập nước của Việt Nam được công nhận là khu Ramsar của thế giới, song Tam Giang – Cầu Hai với diện tích mặt nước 21.600ha là một vùng đất ngập nước rộng lớn, với hệ thực vật, động vật đa dạng và phong phú của cả Đông Nam Á với hàng chục đến hàng trăm (mỗi) loài cá, động vật đáy, rong, chim, cò, phù du thực vật, phù du động vật…

Khu bảo tồn đất ngập nước trên vùng phá Tam Giang – Cầu Hai cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt ở QĐ 495/QĐ-UBND, ngày 20/2/2020. Vấn đề làm thế nào để bảo tồn được hệ sinh thái đa dạng này cũng đã trở thành mối quan tâm không từ phía các chuyên gia. Điều dễ nhận thấy là những nỗ lực từ phía chính quyền để hạn chế việc khai thác tự nhiên theo kiểu tận diệt bằng xung điện, giã cào, lưới quét, lừ xếp, lưới vây…cũng như những nỗ lực trong việc thả tôm, cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản, trồng rừng ngập nước ở khu vực này cũng đã góp phần làm thay đổi ý thức của cộng đồng, nhất là người dân sinh kế trong khu vực.

Tuy nhiên, Tam Giang – Cầu Hai vẫn đang còn đứng trước những thách thức của việc nuôi trồng, đánh bắt cũng như những biến đổi khó lường của khí hậu. Tôi nghĩ đến những vùng rừng nước mặn đã bắt đầu xanh, nghĩ đến những cánh cò trắng bay rợp những cánh đồng mỗi sáng chiều và ước mong, đến một lúc nào đó, sẽ là những thông tin tươi vui về một hệ sinh thái sinh sôi và phát triển. Nghĩa là không bao giờ sẽ có những thông tin đau đáu mà mình đọc trên VnExpress về một đàn sếu không trở lại…

MINH HÀ

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …