Khát nhân lực du lịch

Các doanh nghiệp du lịch đang trong giai đoạn khủng hoảng nhân lực du lịch một cách nghiêm trọng… là chia sẻ của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng tại một hội nghị tuyển sinh và đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng năm 2022. Cũng theo ông Dũng, con số này đến số triệu, thậm chí nhiều hơn.

Nếu đặt trong một tương quan so sánh, thì trong số khoảng 4,9 triệu lao động làm việc ở lĩnh vực du lịch năm 2019 thì đến năm 2020, con số này đã bị cắt giảm gần 80%. Cũng không có gì là khó hiểu khi chỉ có 25% trong số lao động còn lại có việc làm đủ thời gian trong năm 2021. Từ tháng 3 năm 2022 này, lĩnh vực du lịch đã bắt đầu được phục hồi nhờ vào sự tăng trưởng của du khách nội địa và sự trở lại thị trường của hàng trăm doanh nghiệp lữ hành và khách sạn. Tuy nhiên, người ta cũng bắt đầu phản hồi về chất lượng buồng phòng, nhà hàng và cả hướng dẫn viên đi tour. Đó cũng là tình trạng làm đau đầu những người làm quản lý, nhất là việc khắc phục không phải là ngày một ngày hai khi vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người lao động không mặn mà với nghề cũ.

Khi tôi trao đổi về vấn đề này, K – nguyên là một hướng dẫn viên du lịch cho hay bên lữ hành vừa kêu đi làm lại. “Nhưng con từ chối. Giờ tập trung lo cho cơ sở đã vay vốn đầu tư. Doanh thu cũng bắt đầu ổn và con nghĩ, trả lương cho người làm và tự trả lương cho mình cũng là áp lực, buộc mình phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn”. K chỉ là một trong rất nhiều nhân viên hoạt động ở lĩnh vực du lịch – dịch vụ đã hoán đổi nghề trong hai năm vấp phải đại dịch vừa qua. Chọn cách làm chủ, dù ở mức độ khiêm tốn, theo K vẫn là cách để tự kiểm soát được nguồn thu nhập, không thụ động và ít nhất, không phập phù đến mức có những tháng phải tiêu vào nguồn tích lũy sau gần 5 năm làm “guide”. Trường hợp của K cũng là lựa chọn chung của nhiều người sau một thời gian dài buộc phải xa nghề, tìm việc.

Việc khát nguồn nhân lực ở lĩnh vực này đã làm cho nhiều doanh nghiệp buộc phải xoay xở để ổn định chất lượng phục vụ. Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất, khi nguồn nhân lực chất lượng cao được mời gọi, săn đón và chắc chắn là có sự xê dịch từ nơi này sang nơi khác song hành cùng mức lương chi trả và các nguồn thù lao có thể có khác. Sự thất thoát nguồn nhân lực ở lĩnh vực này thời hậu COVID-19, cộng với những hạn chế đã có từ trước về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thực hành, sự linh hoạt trong phục vụ… là những tác nhân ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Nhất là khi du lịch đang có sự tăng trưởng khá nóng về nguồn khách nội địa. Trong khi đó, chỉ còn một tháng nữa là đến mùa đón khách quốc tế.

Tính toán lại nhu cầu, thúc đẩy sự quay trở lại nguồn lực chất lượng nhưng đã chuyển đổi nghề là việc các doanh nghiệp sẽ phải tính toán để duy trì chất lượng và giữ thương hiệu của mình. Áp lực về sự mời gọi, cạnh tranh do vậy sẽ không hề nhỏ vì nó không chỉ là dòng dịch chuyển nhân lực từ địa phương này sang địa phương kia, mà còn là sự cạnh tranh ngay ở cơ sở lưu trú này với cơ sở lưu trú kia ngay trong nội vùng.

Về lâu dài, một chiến lược phát triển nguồn nhân lực ở lĩnh vực này phải được đặt ra ở những vùng trọng điểm du lịch, cộng với sự liên kết, phối hợp và chia sẻ trong cơ chế hướng đến tính lâu dài, bền vững.

Bình An

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …