Khẳng định vai trò và thế mạnh

Có việc làm ổn định từ nghề mây tre đan Bao La

Người lao động có thu nhập khá

Những năm gần đây, HTX cao cấp Đúc Thắng Lợi (TP. Huế) áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc chuyển từ khuôn đất truyền thống sang sử dụng khuôn cát. Từ đó, năng suất tăng khoảng 20%, tiết kiệm 15% nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường. Dù phải cạnh tranh các sản phẩm giá rẻ được nhập từ Trung Quốc, các DN trong nước, nhưng nhờ biết chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nên HTX vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển. Doanh thu bình quân mỗi năm của HTX đạt 2,5-4,5 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân trên 100 triệu đồng/năm.

HTX Mây tre đan Bao La (Quảng Phú, Quảng Điền) được thành lập với định hướng khôi phục và phát triển làng nghề gắn với dịch vụ du lịch. Sau 15 năm hình thành và phát triển, HTX Mây tre đan Bao La đã có xưởng sản xuất, nhà trưng bày rộng hơn 1.000m2 với gần 150 lao động, thiết kế và sản xuất hơn 500 mẫu mã sản phẩm mới, tinh xảo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu.

Đến nay, HTX là chủ thể của sản phẩm “Bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá” được công nhận OCOP 4 sao và đang được tham gia dự án điểm để xây dựng hoàn thiện sản phẩm OCOP 5 sao.

Trong số các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có nhiều HTX sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. HTX thuộc các ngành nghề truyền thống và nghề tiểu thủ công nghiệp như sản xuất mây tre đan, thêu, đúc đồng, dệt thổ cẩm, sản xuất tinh dầu, khai thác đá, cơ khí, mộc mỹ nghệ… Các HTX trong lĩnh vực này có xu hướng tăng, chủ yếu từ những làng nghề truyền thống như mây tre đan, dệt zèng, gốm sứ…

Ổn định sản xuất, kinh doanh

Ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá, các HTX hoạt động trong các lĩnh vực này tương đối ổn định, thích ứng tốt với cơ chế thị trường. Ban quản trị các HTX năng động trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên, người lao động, đóng góp nhất định cho ngân sách địa phương. Các HTX chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, củng cố và phát triển các sản phẩm nghề truyền thống như đúc đồng, mây tre đan, thêu ren, dệt Zèng, sản xuất rượu, dầu tràm, cơ khí, mộc mỹ nghệ… Nhiều HTX phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện, lợi thế về nguyên vật liệu, sự quan tâm hỗ trợ về công tác phát triển thị trường, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực… đã khắc phục khó khăn để phát triển, đảm bảo việc làm và đời sống cho thành viên, người lao động.

Các HTX thương mại – dịch vụ có xu hướng tăng về số lượng. HTX thương mại – dịch vụ thuần túy dần bị xóa bỏ, thay vào đó hình thành mô hình HTX thương mại – dịch vụ quản lý chợ nông thôn, quản lý theo mô hình mới hiệu quả hơn. Các địa phương xây dựng đề án chuyển đổi từ mô hình ban quản lý chợ của xã sang mô hình HTX, một số địa phương tổ chức định giá và chuyển giao chợ cho HTX quản lý. Một số HTX nông nghiệp chuyển sang đầu tư cơ sở vật chất, phân lô, khoanh vùng dịch vụ và tổ chức các hoạt động như dịch vụ phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, trông giữ phương tiện giao thông, bến bãi…

Các HTX hoạt động lĩnh vực dịch vụ quản lý chợ thuần túy vẫn duy trì hoạt động theo mô hình ban quản lý chợ của xã từ khi chuyển giao do vấn đề phân lô, đấu giá mặt bằng đã được thực hiện trước đó. Tuy nhiên, các HTX đã có nhiều sự đổi mới toàn diện từ việc đầu tư phát triển, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự; chất lượng dịch vụ tiếp tục được quan tâm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động.

Các HTX giao thông vận tải đóng góp ngày càng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của Nhân dân. Mô hình này chủ yếu hoạt động dịch vụ hỗ trợ, trong đó HTX bảo đảm cung ứng những khâu dịch vụ quan trọng cho thành viên như đăng ký lưu hành, bến bãi, luồng tuyến, tìm nguồn hàng, nguồn khách. Đa số các HTX chú trọng làm tốt các khâu dịch vụ cho thành viên và kết hợp đầu tư phương tiện mới, kinh doanh bến bãi, du lịch… Một số HTX đưa vào sử dụng các loại phương tiện mới như vận chuyển hành khách các tuyến cố định chất lượng cao, lập đề án hình thành các tuyến xe buýt nội địa…

Đến nay, toàn tỉnh có 312 HTX; trong đó 218 HTX nông nghiệp, 23 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 3 HTX xây dựng, 9 HTX thương mại, 27 HTX vận tải, 7 Quỹ tính dụng Nhân dân và 19 HTX thuộc lĩnh vực điện, môi trường, du lịch, công nghệ thông tin, khai thác cát, sỏi và dịch vụ khác… Tổng số thành viên HTX trên địa bàn tỉnh 172.475 thành viên; tổng số lao động thường xuyên trong HTX 38.535 người. Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 3,3 tỷ đồng, lãi 150 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 32 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: TRIỀU CHÍNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Chắp cánh ước mơ

“Chắp cánh ước mơ” là câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình vượt lên …