Dịu dàng
Rồi một lần, về Huế lúc mờ sáng, từ phía An Cựu vào, tự nhiên thấy một vút cao như lưỡi lam trên bầu trời Huế đương đầy sao. Thì ra đấy là tòa nhà Vincom mới xây xong. Và phục, làm sao mà nó có thể mảnh đến thế, thanh thoát thế, dẫu cao vút lừng lững, dẫu vào trong ruột để ăn sáng theo lời hẹn của anh bạn, nó mênh mông như mọi tòa tháp.
Mới nhất, tôi được mời ngủ lại khách sạn Morin một đêm. Và đã run người lên khi được bố trí ở đúng cái phòng ngày xưa tôi học, cái phòng mà năm 1977, tôi và 60 bạn tôi lần đầu tiên bước vào để học tiết đầu tiên của lớp Văn K1 Đại học Tổng hợp Huế. Cái phòng có cái cửa sổ và ban công hình vòm mỗi khi giải lao chúng tôi lại đứng nhìn sang sông Hương, ngắm cầu Trường Tiền, và nhất là, đến sớm để đứng đấy ngắm “dòng sông áo trắng” trôi trên đường Lê Lợi tới trường Hai Bà Trưng và Quốc Học. Hồi ấy, nó cũ và cổ kính. Giờ nó là một khách sạn hiện đại và cao cấp, sang vào loại bậc nhất của Huế, dẫu nó được lọt vào danh sách 5 khách sạn cổ nhất Việt Nam. Lớp tôi vừa họp ở Tuy Hòa nhân 40 năm ra trường, từ 61 bạn lúc vào, khi ra trường còn 42, và tất cả không ai không nhớ những ngày thần tiên học ở Morin ấy.
Điều hay nhất là, những gì Huế có hôm nay, người ta không thấy nó chỏi lắm với những gì từng hình dung và đã thấy về một Huế cổ kính, trầm mặc, Huế bình dị và an nhiên, Huế lắng sâu và kín đáo khiêm nhường đã găm vào tâm tưởng, dẫu không phải khi mới bắt đầu, không phải không có những trái chiều này nọ, mà Festival Huế là ví dụ, mà cầu gỗ lim bên sông Hương là ví dụ, mà ánh sáng cầu Trường Tiền là ví dụ. Cầu gỗ lim giờ là một chỗ mà bất cứ ai đã đến Huế đều phải tìm tới, để thả bộ trên ấy, và để… check-in.
Lần khác, tôi về Huế và ở tại aNhill boutique resort. Và tôi đã gặp Huế, một thứ Huế vừa truyền thống, vừa hiện đại, cách tân trong khuôn khổ một khu resort. Đậm chất văn hóa, một thứ văn hóa bản nguyên, bảo thủ đến lỳ lợm, nhưng hiện đại, tiện nghi và có lý.
Từng đi nhiều khu du lịch, khách sạn 4, 5 sao cả trong và ngoài nước, tới đây tôi cứ tròn mắt ngạc nhiên vì… nó chả đụng hàng với ở đâu cả, mà lại sang, mà lại cổ kính, mà trật tự, ngăn nắp, nền nếp, đậm chất văn hóa, từ nhà hàng, quầy bar, lối đi tới cái… giường ngủ. Rất cung đình mà lại đậm chất đương đại.
Ngay cái tên “aNhill” cũng là suy nghĩ rất trẻ nhưng chín chắn, dẫu có người bảo… khó đọc. Nó là kết hợp giữa truyền thống với nét chấm phá hiện đại. Chữ “aN” là sự an yên của phòng ốc, dịch vụ nơi đây, đem lại cảm giác thân thiện, thoải mái như ngôi nhà của những khách tới nghỉ dưỡng tại boutique resort này. Nét chấm phá với chữ N được viết hoa ngụ ý nơi đây quen thân mà lạ. Sự lạ ở đây đến từ kiến trúc, đồ ăn, dịch vụ cùng những hoạt động giải trí khác mà aNhill đem tới cho khách hàng. Logo của aNhill thì được sinh ra từ sự cách điệu khung cửa chữ Thọ của Huế… Ở đây ta gặp không chỉ là một Huế thu nhỏ, mà là một Huế đang vươn ra.
Cũng ở khu này, tôi được chiêm ngưỡng 2 cây ngô đồng di thực về trồng và chăm như chăm quốc bảo. Thì chả quốc bảo là gì khi nó từng được vua Minh Mạng cho khắc lên Cửu Đỉnh, và lâu nay để ngắm nó, người ta phải vào Hoàng thành mới có.
Kỳ lạ nhất là lần tôi gặp Huế tại… Tòa nhà Land Mark chọc trời ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi ăn chiều ở đấy, và gặp một Huế rất Huế nhưng lại cũng rất… Land Mark. Tôi “nghe” Huế từ một căn phòng ngay trung tâm cái tòa nhà lộng lẫy nhất ở TP. Hồ Chí Minh được thuê làm nhà hàng, với bà chủ rất trẻ và tự tin. Tôi gặp ở đây những món ăn “rất Huế”, từ bún tới bánh, từ gỏi tới lụi… Các món ăn giữ nguyên hương vị Huế nhưng bớt đi vẻ ẻo lả, kín cổng cao tường, những là phải rồng phượng núi sông, phải lá sen lá súng, phải cay phải rực… mà hầu như ta chỉ nhìn chứ rất ngại đụng đũa, vì sợ phí, sợ mình thành kẻ thô bạo với cái đẹp mỏng manh tinh tế. Tôi gặp ở đây một Huế vừa nhân nhượng lại vừa kiêu hãnh, vừa ý tứ nhưng vẫn thăng hoa, để ta có thể an tâm thưởng thức và cũng tận tâm tận hưởng. Một hồi trò chuyện thì ra, cô chủ này, tên là Phan Tôn Tuệ Minh lại chính là con gái bà Tôn Nữ Thị Hà. Bà Hà, một chuyên gia ẩm thực Huế nhưng đã từng đi khắp nước để nghiên cứu các món ăn mọi vùng miền, đã từng lên Pleiku và điện thoại cho tôi, nhưng rất tiếc khi ấy tôi lại không ở Pleiku, bỏ lỡ một cuộc tháp tùng bà đi… nếm các món Tây Nguyên. Đấy chính là một cách để Huế mở, Huế mới…
Có lần tôi nói chuyện với ông em ruột, một quan chức hàng huyện, về sự phát triển khi được thông báo là cái vùng quê tôi cũng sắp lên phố, làng tôi nhập với 1 làng nữa sẽ thành phường. Đại loại vấn đề cần giải quyết lớn nhất của Huế chính là phát huy sự mâu thuẫn trong hòa hợp. Động trong tĩnh (tôn trọng tĩnh nhưng phát triển hợp lý để xã hội đi lên), Huế thức trong ngủ, Huế tâm linh và khoa học, Huế xưa Huế nay, Huế chậm mà nhanh, Huế khép trong mở… Và giờ, quan trọng nữa, Huế có nông thôn, thành thị, có miền núi có đồng bằng, có sông có biển, có người nói tiếng Huế và người nói tiếng Bắc pha Huế… Hòa hợp được những điều này, Huế sẽ là một thành phố đa dạng đa sắc đa diện trong một cái khuôn chung đầy bản sắc có sẵn là Huế.
Quê tôi, vùng Ngũ Điền ấy, xưa cát trắng phau giữa chang chang nắng, đến mức cảm giác người cứ tóp đi, cũng khô như cát, lăn tròn như cát, giờ xanh um rau quả. Thứ nhất là, những đồng sen trải dài. Sen không chỉ đẹp, mà còn là nguồn thu của bà con, xuất đi khắp nơi… Sáng sớm đi bộ, tôi đeo theo máy ảnh, những bông sen ngậm sương ngơ ngác chào mặt trời. Mươi năm về trước, không ai nghĩ vùng này lại có những đồng sen như thế…
Theo kế hoạch, mấy năm nữa nơi đây thành phường.
Bài: Văn Công Hùng
Ảnh: Doãn Quang