Hột muối của mạ

Mùa Vu Lan bỗng nhớ mạ nhiều hơn, dù người đã bảy năm rời cõi tạm. Nỗi nhớ thì như như gió, không đầu không cuối, lúc cầm theo cái này, lúc cuốn theo cái khác, miên man. Nhớ hồi đó tôi học cấp hai, một ngày mạ bỗng nói mạ cũng có làm những câu thơ. Mạ không biết chữ, nhưng mà cũng nhẩm vần thơ trong lúc quần quật với bếp củi, vườn tược, điều đó làm tôi ngạc nhiên và tự hào. Rồi mạ đọc những câu thơ thật ngắn. Ấn tượng nhất là hai câu tôi còn nhớ:

“Trong bếp lửa của mạ

Ánh mắt con tho ló”

Tho ló. Tho ló trẻ con. Ôi mạ nhìn từ ngoài vào bếp lửa, nghe tiếng cơm sôi. Con nhìn từ trong bếp ra, mắt tho ló. Tám đứa con của mạ là mười sáu con mắt tho ló, dù có mấy đứa đã đi lấy chồng, lấy vợ. Thì có sao. Đến lượt mấy đứa cháu nội ngoại rồi cũng có những con mắt tho ló nhìn từ trong bếp nhìn ra hay nhìn từ ngoài vào và nghe tiếng cơm sôi.

Tôi nhớ hồi đó mạ không nói, kiểu tụi bây kêu như cóc kêu. Mạ nói tụi bây kêu như gà, cứ chiêm chiếp, chiêm chiếp. Trời mưa mạ mặc áo tơi lá tất tả ngược xuôi kiếm cơm cho lũ trẻ, như hệt mệ gà đi bới móc cho đàn con, rồi xù lông đứng giữa trời mưa như cái ụ rơm cho lũ con rúc vào nấp.

Ngày nọ mạ nói, mắt mạ chừ nhìn cái chi cũng méo. Lúc đó tôi không để ý, nghĩ người già thì bị lão hóa nên vậy. Sau này khi bị glucom, mới biết mạ bị glucom và đứa con bị di truyền từ mạ. Rồi nhận ra, bao nhiêu điều hay ho của người xưa khi vĩnh viễn ra đi đã mang theo, mà mình đã không kịp hiểu, không kịp học…

Tôi không nhớ lần bị mạ đánh đầu tiên, cũng không nhớ lần bị đánh sau cùng. Có lẽ hình như không bao giờ tôi bị mạ đánh. Nhưng tôi mãi nhớ những khi bị ba đánh quắn đít phía trên nhà, mạ lặng lẽ nhẫn nhịn ngồi giã muối ở dưới nhà bếp. Cha dạy tôi xong, mạ mới kêu tôi tới, tụt quần bôi muối lên chỗ mông còn hằn lằn roi. Mạ chỉ bôi muối, không nói, không nói. Cứ thế tôi lớn lên, giữa sự phán xử của cha và sự sẻ chia của mạ với hạt muối mặn mòi.

Tôi nhớ khoảng lớp hai, tôi chơi đá banh bị bay mất móng cái bàn chân trái. Suốt tuần tôi ôm chân đau đớn. Mạ rịt muối cho. Cuối tuần thấy tạm ổn, móng chân bắt đầu mọc, tôi lại trốn đi đá banh. Lại bị giập móng. Mạ lại rịt. Lại chơi banh đến giập móng. Lại rịt muối… Mạ cứ nhai muối đắp, tôi lì lợm bó chân đi chơi banh. Tự do, không khác gì là khoảng cách giữa cái móng chân bị thương và quả bóng đang lăn. Phải đến bốn năm lần như thế thì đạn pháo ì oằm phía ngoại ô. Cả nhà gánh gồng tản cư. Vất hết nhiều thứ ở nhà, nhưng mạ vẫn mang theo hũ muối.

Tôi nhớ thuở đó, trong bộ đồ thờ gia tiên đầy đủ của nhà tôi, có ba món không thể thiếu là ba hũ đựng gạo, muối, nước. Mạ nói đây là ba thứ không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Lớn lên, mới hiểu thêm: Muối, từ ngàn xưa đã là tài sản quý giá, tượng trưng cho ý chí trong sạch và mạnh mẽ. Thờ muối là để mong muốn cuộc sống sạch sẽ, no đủ, hưng thịnh. Gạo, được coi là “hạt ngọc của Trời” là nguồn dinh dưỡng chính để nuôi sống con người. Gạo mang lại sự sung túc do Trời ban và là sự tinh khiết nguyên sơ. Thờ gạo là một cách thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với những vị thần đã ban cho chúng ta niềm no ấm. Nước, với đặc tính trong sạch, thanh cao và thuần khiết. Nước là nguồn tài nguyên cần thiết, nuôi dưỡng vạn vật. Thờ nước là để ước nguyện lòng thanh tịnh, tâm tĩnh lặng yêu thương.

Mạ hay kể chuyện Kinh Phật: Một hôm, Đức Phật nói với các tỳ kheo (những người đi tu), rằng một nắm muối bỏ vào chén nước thì nước sẽ mặn, không uống được. Cũng nắm muối ấy, bỏ vào sông Hằng thì không ảnh hưởng nhiều đến nước sông Hằng, nhưng đừng nghĩ là nắm muối ấy đã không tồn tại. Nếu nắm muối ấy là nghiệp ác nhỏ mọn, thì nghiệp ác ấy cũng sẽ đưa người ấy vào địa ngục, nếu không ngay ở kiếp này, thì sẽ là trong kiếp khác…

Ta chỉ là hạt muối trong vũ trụ, phiêu bạt giữa biển đời mênh mông.

Có hôm nào đó, tôi mua một cái ghè bỏ muối vào. Bỗng như thấy những hạt muối đang ánh lên, như là những ánh mắt của mạ.

Hồ Đăng Thanh Ngọc

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Chắp cánh ước mơ

“Chắp cánh ước mơ” là câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình vượt lên …