Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật phòng, chống ma túy; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và vệ sinh, an toàn thực phẩm

Đại diện các Bộ: Công an, Y tế, LĐTB&XH đã trình bày nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống ma tuý 2021; Nghị định 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Nghị định 109/2021/NĐ-CP quy định về cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy; Thông tư 18/2021/TT-BYT quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện và quản lý cai nghiện.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy cho biết, hiện nay, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Những năm gần đây trung bình phát hiện trên 140.000 người sử dụng trái phép chất ma túy mỗi năm. Nhiều trường hợp sử dụng các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần đầu đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, có những vụ đối tượng sử dụng ma túy lên cơn nghiện, “ngáo đá” giết chính người thân trong gia đình.

Quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập. Từ năm 2009 đến năm 2021, số người nghiện có hồ sơ quản lý trong cả nước tăng từ 146.731 người lên 246.648 người, tăng 68%. Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội còn nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội; điều kiện về cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện chưa bảo đảm; chưa có quy định cụ thể về cai nghiện ma túy với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy.

Một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi năm 2008 không thống nhất, đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.

Sau khi được ban hành, Luật Phòng, chống ma túy 2021 đã “ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy”, có thêm các quy định mới về quản lý người nghiện ma túy bao gồm xác định tình trạng nghiện ma túy, thủ tục cai nghiện ma túy, trong đó có lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma tuý 2021 đều đã được chuẩn bị căn cơ, đối chiếu, rà soát, gửi đến những người thực hiện trực tiếp ở cấp xã, huyện, tỉnh. Các quy định đã được triển khai tập huấn tới cơ sở trước khi tổ chức hội nghị quán triệt toàn quốc.

Luật quy định rõ nội dung quản lý Nhà nước và chỉ quy định trách nhiệm của một số bộ có chức năng, nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, gồm: Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống ma túy, song nguy cơ vẫn còn rất lớn. Công tác phòng, chống tội phạm ma túy rất quyết liệt bởi đây là “nguồn gốc, là tội phạm của các loại tội phạm”. Trong khi đó, Việt Nam ở khu vực tương đối nhạy cảm, đặc thù; số người nghiện ma túy tiếp tục tăng, đặc biệt số đối tượng nghiện ma túy tổng hợp – gây nhiều khó khăn cho công tác cai nghiện, điều trị, phòng, chống các tệ nạn…

“Công tác phòng, chống ma túy phải kiên quyết cả 2 mũi đầu cung và đầu cầu, cùng với đó là công tác cai nghiện cho các đối tượng, phải được thực hiện nghiêm vì lợi ích của số đông, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Công tác phòng, chống tội phạm ma túy không chỉ của riêng lực lượng công an, y tế hay ngành LĐTB&XH mà còn là nhiệm vụ của tòa án, các cơ quan khối tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể… trong vận động phòng, chống và các biện pháp ứng xử đúng pháp luật, nghiêm minh với các đối tượng nghiện ma túy.

Hiện nay, lực lượng công an chính quy đã được tăng cường về cấp xã, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phát huy vai trò đầu mối, nòng cốt của lực lượng này ngay từ cơ sở, dưới chỉ đạo chung của cấp ủy, chính quyền địa phương.

“Công tác phòng, chống ma túy và các loại tội phạm khác phải thực hiện đồng bộ và tiếp tục kết hợp nhuần nhuyễn với các phong trào thi đua, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thay đổi thói quen không tốt trong chế biến, kinh doanh thực phẩm

Về công tác ATTP, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết mục tiêu của kế hoạch bảo đảm vệ sinh an toàn, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân 2022 là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm…

Các bộ ngành, cơ quan Trung ương sẽ thành lập 6 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm. Các địa phương tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, có kế hoạch thanh, kiểm tra phù hợp vào tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Các đoàn kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, điều kiện cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm…

“Không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện sửa chữa, khắc phục đạt yêu cầu. Các cá nhân, cơ sở vi phạm phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị làm tốt công tác truyền thông đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng; tăng cường các đoàn kiểm tra cấp huyện để bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, vận chuyển và mua bán, tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục có nhiều tiến bộ trong suốt thời gian vừa qua, nhất là chuyển hướng sang quản lý rủi ro, đưa sản xuất an toàn vào trong nông nghiệp. Các địa phương, Bộ NN&PTNT đẩy nhanh việc xây dựng bản đồ an toàn sản xuất nông nghiệp gắn với chỉ dẫn địa lý.

Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi những thói quen không tốt trong chế biến, kinh doanh thực phẩm của hàng triệu hộ cá thể, thói quen tiêu cùng của người dân.

Trong công tác quản lý hậu kiểm trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thành viên của Ban Chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước phải luôn có cơ chế phản biện, đối thoại với doanh nghiệp.

Trong dịp Tết Nguyên đán, trước tình hình dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức các đợt ra quân, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm.

“Các cơ sở y tế sẵn sàng xử lý tình huống xảy ra ngộ độc, nhất là trong vùng có dịch. Đồng thời việc hỗ trợ thực phẩm cho các gia đình đang cách ly trong dịp Tết càng phải bảo đảm an toàn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.


Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

Cảnh giác trước khả năng xuất hiện biến chủng Omicron

Về nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19,GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòngnhận định, đến nay, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT, các hoạt động xã hội trở lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ cao biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam; xuất hiện tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định phòng, chống dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang nơi công cộng; miễn dịch của những người tiêm vaccine giai đoạn đầu giảm dần theo thời gian, trong khi người mới tiêm cần thời gian sinh miễn dịch…

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine do thời tiết chuyển mùa Đông – Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới…

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất; nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, oxy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới; tổ chức tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, phấn đấu đến ngày 31/12 hoàn thành tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022; tổ chức tốt việc điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc COVID-19, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải…

“Đặc biệt, các địa phương thực hiện điều chỉnh cách ly đối với các trường hợp F1 đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục duy trì, phát huy vai trò công an cơ sở cùng Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng để truy vết người tiếp xúc, quản lý người mắc tuyến cơ sở; bảo đảm an ninh an toàn các khu cách ly, điều trị; quản lý người nhập cảnh; hỗ trợ, tham gia quá trình đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế, thuốc để ngăn ngừa tiêu cực…

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến rất khó lường trước biến chủng Omicron. Hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn (theo một số nghiên cứu gấp từ 3 đến 7 lần so với chủng Delta).

Các nghiên cứu chỉ ra rằng với biến chủng Delta khi người mắc đã tiêm vaccine đủ 2 mũi thì nguy cơ tử vong giảm khoảng 12 lần, trong khi chưa có dấu hiệu rõ ràng để xác định biến chủng Omicron có độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta. Nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng Omicron đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn cao hơn 3 lần so với biến chủng Delta, thậm chí những người đã nhiễm biến chủng Delta vẫn có nguy cơ nhiễm lại biến chủng Omicron cao hơn.

Phó Thủ tướng nêu lại, từ đầu dịch, khi một nước trong khu vực Đông Nam Á có ca nhiễm biến chủng mới, chúng ta đều xác định, coi như biến chủng mới đã có ở trong nước. Tương tự, trước diễn biến lây lan của biến chủng Omicron trên thế giới và một số nước trong khu vực, chúng ta phải trong tâm thế biến chủng này đã xuất hiện ở Việt Nam.

Trong Công điện số 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa Đông và nguy cơ biến chủng Omicron. Trong khi chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch, căn cứ tình hình cụ thể trong từng lĩnh vực, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch so với cấp độ dịch được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Chúng ta phải đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm vaccine theo hướng chuyển từ “ưu tiên cho nhóm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi” sang “phải phấn đấu tiêm cho tất cả mọi người dân thuộc nhóm tuổi chỉ định tiêm; đặc biệt không để còn người trên 50 tuổi, người có bệnh nền (trừ số ít người thuộc nhóm chống chỉ định) không được tiêm vaccine phòng COVID-19”.

Bộ Y tế bảo đảm cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho các địa phương để tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc.

Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức cách ly, tự điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Hệ thống y tế cơ sở phải quản lý tất cả những người bị nhiễm, không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

“Giả sử biến chủng Omicron có độc lực nhẹ đi thì vẫn có một tỷ lệ người đã tiêm đủ vaccine bị nhiễm, trong đó sẽ có một tỷ lệ bị nặng. Nếu chúng ta để số ca nhiễm nhiều dồn vào một thời điểm gây quá tải hệ thống y tế thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao. Vì vậy chúng ta không được lơi lỏng cảnh giác”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng lưu ý, trong dịp Tết Nguyên đán, tổ COVID-19 cộng đồng, công an, dân quân, y tế và các lực lượng cần tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” trong tiêm vét vaccine, phát hiện, hỗ trợ người bệnh, không để người nào đang cách ly, tự điều trị tại nhà không có Tết.

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …