Hoàn thiện phương án, lựa chọn mô hình đô thị trực thuộc Trung ương

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bùi Tất Thắng; nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam-PGS.TS Trần Đình Thiên. Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng nhiều chuyên gia, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Huế học trong và ngoài tỉnh.

Cơ sở để hiện thực hóa các mục tiêu

Đặt vấn đề tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, công tác tổ chức lập Quy hoạch được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2022. Đây là cơ sở để tỉnh phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Văn Phương thông tin, trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch, tỉnh kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế đã được nhận diện; định hình cho từng không gian phát triển để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng với một tầm nhìn mới để đón đầu các xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sự phát triển của tỉnh trong tương lai có hiệu quả và bền vững; nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Báo cáo về mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ thông tin các phương án mô hình, đó là phương án 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện và phương án 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Ông Đông cũng thông tin về 2 phương án tên gọi cho thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai là Thành phố Huế và Thành phố Thừa Thiên Huế; dự kiến tên gọi các đơn vị hành chính cấp huyện; dự kiến tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã.

Liên quan quan đến việc đánh giá phân loại đô thị loại I thành phố trực thuộc Trung ương, ông Nguyễn Đại Viên, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện một số tiêu chuẩn tỉnh vẫn chưa đạt, cần phấn đấu từng bước hoàn thiện như, thu nhập bình quân đầu người so với trung bình cả nước; mật độ đường giao thông; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng; diện tích đất giao thông bình quân đầu người; mật độ đường cống thoát nước chính; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng; công trình xanh,…

Hoàn thiện quy hoạch tỉnh sẽ tạo diện mạo mới cho đô thị Huế. Ảnh: N. Hiếu

Nhiều ý kiến tâm huyết

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã góp ý về quy hoạch. Bên cạnh những ưu điểm, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện hơn nữa để nêu bật vai trò, thế mạnh của tỉnh.

KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Thừa Thiên Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang chạy dọc bờ biển, đó là “di sản” mà cả Đông Nam Á thèm khát. Do vậy, quy hoạch tỉnh cần làm rõ để khai thác thế mạnh này, đồng thời cần hướng đô thị Huế về phía biển, và xây dựng đô thị vệ tinh xung quanh sân bay, khai thác tốt hơn hệ thống giao thông quốc gia; phát triển đô thị Chân Mây – Lăng Cô…

“Trên tinh thần là đô thị di sản, tỉnh phải có giải pháp cụ thể hóa các yếu tố văn hóa, sinh thái, trên cơ sở đó xây dựng Huế trở thành biểu tượng để cả nước, thậm chí thế giới hướng đến. Về các mô hình, phương án cho các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương, tôi đồng tình với tên gọi Thành phố Huế và phương án 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện”, ông Chính nói.

Chuyên gia Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ ra khá nhiều hạn chế trong dự thảo Quy hoạch tỉnh, đáng chú ý là chưa có tính kết nối giữa các phương án phát triển; cần xem xét lại các phương án phát triển hành lang kinh tế. Ông Hiếu cho rằng, sau quy hoạch tỉnh, các hành động tiếp theo trong tổ chức thực hiện phải cần cụ thể.

Chuyên gia nêu quan điểm tại Hội thảo

Đối với quan điểm phát triển của tỉnh, ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình và đánh giá cao, bởi đã cụ thể hóa được nội dung Nghị quyết 54 của Bộ Chính trí. Song, ông Thụy vẫn băn khoăn về mô hình phát triển của tỉnh trong tương lai; mục tiêu phát triển vẫn chưa rõ ràng trong 10 năm tới…

Còn với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam thì việc quy hoạch, phát triển của tỉnh phải dựa trên nền tảng tài nguyên văn hóa, lịch sử và tài nguyên du lịch. Trên cơ sở đó hình thành một đô thị mà đẳng cấp. “Có thể nhìn nhận hai điểm, một là thành phố du lịch dịch vụ đẳng cấp cao và thứ hai là thành phố như một Trung tâm giáo dục đào tạo, Trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe. Đô thị Huế sẽ tạo ra khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Du lịch dịch vụ đẳng cấp cao và khoa học công nghệ sẽ không tạo ra sự xung đột”, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Nỗ lực hoàn thiện hồ sơ

Ngoài các ý kiến của các chuyên gia, các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, mang tính lịch sử. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương bày tỏ cảm ơn đến các ý kiến tâm huyết của các đại biểu.

Ông Phương nhìn nhận, Hội thảo đã nhận diện được một số khó khăn, hạn chế và các lợi thế so sánh để từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong kỳ quy hoạch tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại Hội thảo

Về phương án phát triển các ngành/lĩnh vực và tổ chức không gian phát triển, các đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất lựa chọn phát triển các ngành/lĩnh vực có lợi thế; mở rộng không gian phát triển trên cơ sở cân đối các tiềm năng, dư địa để tạo tính đột phá trong phát triển kinh tế xã hội đảm bảo phấn đấu đạt các chỉ tiêu. Trong đó, chú trọng nghiên cứu quy hoạch phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, khu du lịch, các dự án đầu tư lớn, có tính đột phá,…

Việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng tiếp tục hoàn thiện đảm bảo phương án gắn với quy hoạch hệ thống thoát lũ, quy hoạch thủy lợi và kịch bản có liên quan đến biến đổi khí hậu… Ngoài ra, Quy hoạch tỉnh cùng với các quy hoạch khác đang thực hiện trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng thành lập thành phố Trung ương.

Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu đơn vị tư vấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ban ngành địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học,… tích cực hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Tại hội thảo, sau khi tổng hợp các phiếu thăm dò về mô hình đô thị, phương án thành lập 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện có đa số phiếu đồng tình. Về tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phương án đa số là Thành phố Huế. Đối với tên gọi các đơn vị hành chính cấp huyện, phương án đa số lựa chọn như sau: Quận phía Nam sông Hương tên là Thuận Hóa; quận phía Bắc sông Hương tên là Phú Xuân. Tỉnh sẽ tiếp thu và hoàn thiện phương án phù hợp; kết hợp các thủ tục lấy ý kiến theo quy định pháp luật hiện hành.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …