Hoàn thành gần 50% tổng số nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 22/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị về phía Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm và các Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, thành viên Chính phủ…

Hoàn thành gần 50% tổng số nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát của cả nhiệm kỳ

Trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết ngay sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án Định hướng và ban hành Kết luận số 19-KL/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ lập pháp; đồng thời, ban hành Kế hoạch số 81/KH UBTVQH15 (Kế hoạch số 81) ngày 5/11/2021 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai thực hiện với 137 nhiệm vụ lập pháp.

Sau 9 tháng triển khai Kết luận số 81, với sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, cơ quan được giao trực tiếp thực hiện, đến nay đã hoàn thành 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp đề ra.

Trong số các nhiệm vụ đã hoàn thành, được đề xuất, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết và đã được thông qua hoặc đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh có nhiều văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19.

Như vậy, theo Kế hoạch còn 69/137 nhiệm vụ lập pháp cần tiếp tục thực hiện.

Bảo đảm chất lượng, tiến độ

Từ đầu năm 2022 đến nay, Quốc hội đã thông qua 6 luật, 8 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 pháp lệnh, 2 nghị quyết. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến 6 dự án luật. Đối với các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến, ngay sau kỳ họp Quốc hội, các cơ quan đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý. Đến nay, đã có 5/6 dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các dự án luật đều đã được cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp được đề ra tại Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án Định hướng và Kế hoạch số 81.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả trong công tác lập pháp. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng; đã tích cực tham gia xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, trong đó đã hoàn thành việc xây dựng 4 chuyên đề theo phân công bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, có nhiều đề xuất mới, thiết thực, hiệu quả, có tính khả thi được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đánh giá cao…

Để bảo đảm hoàn thành thắng lợi Kế hoạch số 81, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục quán triệt, xác định việc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án Định hướng, Kế hoạch số 81 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của 4 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Các cơ quan, tổ chức phải quyết liệt chỉ đạo, có giải pháp cụ thể và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Đối với 32 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết, đề nghị các cơ quan khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo quy định để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo tiến độ đã xác định tại Kế hoạch số 81, trong đó cần chú trọng bảo đảm chất lượng, tránh phải chuẩn bị lại vì chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đối với 44 nhiệm vụ lập pháp có tiến độ hoàn thành trước ngày 31/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục chủ động triển khai thực hiện, bám sát các yêu cầu được nêu trong Kế hoạch số 81; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án giải quyết.

Cùng với đó thường xuyên rà soát để điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ lập pháp để bảo đảm kịp thời thể chế hóa chủ trương, định hướng được đề ra trong các nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết của đời sống xã hội.

Các cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo, chủ trì thẩm tra, chỉnh lý dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết các hoạt động và tiến độ thực hiện cho từng dự án; bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới đề xuất quy định trong luật, những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa có sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu thận trọng, thấu đáo, nếu cần thiết có thể đề xuất thực hiện thí điểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tăng cường bố trí các phiên họp chuyên đề pháp luật để kịp thời xem xét đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; cho ý kiến về các dự án trình Quốc hội; xem xét việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án để trình Quốc hội thông qua; ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án là kết quả rà soát của các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81.

Đối với 7 dự án trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với cơ quan soạn thảo khẩn trương hoàn thiện để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến và tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội.

Đối với 6 dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 nhưng chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gửi đến các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Đối với các dự án thuộc Chương trình năm 2023, cần bảo đảm thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất tại phiên họp tháng 4/2023 (đối với các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm) và phiên họp tháng 9/2023 (đối với các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu).

Trường hợp dự án không bảo đảm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ quy định thì kiên quyết không đưa vào Chương trình kỳ họp và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Cơ quan của Quốc hội được phân công theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ lập pháp, được phân công thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết cần tích cực, chủ động theo dõi, nắm bắt tiến độ của các dự án, thường xuyên phối hợp chặt chẽ, đôn đốc cơ quan chủ trì soạn thảo để bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng phản biện xã hội, chủ động tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Theo TTXVN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …