Hình tượng mèo trong văn hóa Việt Nam

Hình tượng con mèo trong tranh Đông Hồ.

Đặc tính nổi bật

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Minh Hồng, ở nước ta, mèo nhà (tên khoa học là Felis Catus) được người dân nuôi từ khoảng vài trăm năm trước công nguyên, tức là vào cuối thời đại Hùng Vương – Thục Phán mèo mới có mặt trong những ngôi nhà của người Việt và trở thành vật nuôi thân thiết, gắn bó với mọi gia đình.

Loài mèo có đặc điểm là loài vật ưa sạch sẽ, thích nằm những chỗ ấm áp, thích sưởi nắng, có bản tính cẩn thận, gọn gàng, nhanh nhẹn. Mèo thường săn mồi vào ban đêm nhờ đôi mắt xanh tinh anh nổi bật và hoạt động tốt nhất vào ban đêm, cùng với ưu điểm là chuyển động nhẹ nhàng, giỏi leo trèo và bộ lông mịn nên không tạo ra tiếng động lớn, dễ dàng tiếp cận và đánh bắt con mồi. Vào ban ngày, mèo thường nằm nghỉ ngơi, sưởi ấm, mèo thích sự yên tĩnh, xa vắng và kín đáo để nằm khoanh tròn, mắt lim dim, lừ đừ. Vì vậy theo một lẽ tự nhiên, hình tượng con mèo đã đi vào thơ văn, ca dao, tục ngữ và trong các tác phẩm nghệ thuật.

Trong tranh “Đám cưới chuột” của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Các nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho mèo xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục (Quảng Ninh), cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang (Hải Phòng)…

Trong văn học, nhà văn Tô Hoài – bậc thầy chuyên viết truyện loài vật, trong tác phẩm “O chuột”, ông cũng đã viết về con mèo bằng những dòng thật sinh động: “Mèo lừ đừ và nghiêm nghị tựa một thầy giáo nhà dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả”.

Thạc sĩ Lê Văn Nam, giảng viên trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho biết, trong văn hóa Việt Nam, những câu ca dao, tục ngữ có hình ảnh con mèo như: “Tiu nghỉu như mèo cắt tai”, “Mèo khen mèo dài đuôi”, “Lèo nhèo như mèo vật đống rơm”, “Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ đường xa/Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo”… Mỗi câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ đều có ý nghĩa liên hệ đến con người, nhằm mục đích căn dặn, nhắc nhở con người sống tốt, tận dụng những bản năng, đức tính tốt đẹp của con mèo.

Gắn với đời sống của con người

Theo ông Phan Minh Hồng, trong 12 con giáp, con mèo đứng ở vị trí thứ 4, đứng sau con chuột, trâu, hổ. Con mèo có những đặc điểm nổi bật và ý nghĩa lớn trong văn hóa dân gian cũng như trong phong thủy. Theo đó, bắt nguồn từ hình ảnh mèo di chuyển mềm dẻo, kiên nhẫn và biết chờ thời cơ trước khi hành động, mèo được coi là loại linh thú cát tường, có thể hóa giải sát khí, đem lại vận may cho gia chủ. Ngày nay, rất nhiều người ưa chuộng bài trí tượng mèo trong nhà để tăng cát khí cho gia chủ, hút thêm may mắn, tài lộc.

Với đặc tính nhanh nhẹn, uyển chuyển của mèo, con người cũng đã sáng tạo là môn võ mèo được khá nhiều người theo học. Võ sư Hồ Bạch An cho biết, trong võ thuật Việt Nam, mèo cũng là động vật đem lại cảm hứng cho võ thuật với dáng đi uyển chuyển, không tiếng động, êm như mèo, giỏi leo trèo, có khả năng nhảy vọt là nguồn cảm hứng môn khinh công. Ngoài ra, nhiều động tác cào, tát với hai bộ móng sắc ra đòn nhanh như chớp là cảm hứng về chiêu của võ mèo.

Võ mèo hay miêu quyền là một trong những môn võ hay, những động tác mô phỏng của mèo có thể chuyển hóa, phổ quát thành các bài võ, đòn thế tự vệ, chiến đấu hữu hiệu. Vì vậy, môn võ mèo xuất hiện rất sớm và bài Miêu tẩy diện (mèo rửa mặt) là một trong những bài võ mèo tồn tại lâu đời với khoảng 32 động tác. Ngoài ra, còn có một số bài võ mèo tiêu biểu như Linh miêu độc chiến và Bạch miêu quyền…

Trong khi đó, đối với ngành điện ảnh, nhiều phim hoạt hình của Việt Nam cũng dùng hình tượng chú mèo để kể những câu chuyện hóm hỉnh, vui tươi. Khi đất nước hội nhập, hình tượng mèo cũng được du nhập vào Việt Nam như: Mèo Ketty, mèo Tom trong loạt phim hoạt hình Tom và Jerry của Mỹ, mèo Luna trong bộ phim hoạt hình Thủy thủ Mặt trăng và đặc biệt là hình tượng chú mèo máy Doraemon của Nhật Bản được nhiều người dân trên thế giới biết đến trong đó có người dân Việt Nam.

Theo Báo Tin tức

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

PHỐ CỔ BAO VINH-HUẾ

Có một góc Huế vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, đó là phố cổ …