Giao dịch qua ngân hàng bằng quét mã QR
Lợi đôi đường
Buổi sáng như mọi ngày, tôi cùng con gái đến ăn sáng tại một quán ăn nằm sâu trong kiệt nhỏ ở đường An Dương Vương. Quán ăn này nhỏ xíu và bán cho người dân trong xóm là chủ yếu. Câu chuyện sẽ chẳng có gì thú vị đến khi cậu bé bàn đối diện (đang còn là học sinh) gọi lớn, “Dì ơi cho con số tài khoản, con chuyển khoản tiền ăn với”.
Lúc bấy giờ, cô con gái đang ăn mới nhìn sang mẹ: “Mẹ 15 ngàn mà cũng chuyển khoản được hả mẹ”.
Tôi cười, “Bao nhiêu tiền cũng chuyển khoản được hết á con”.
Mặc dù trả lời với con gái là vậy nhưng tôi vẫn ngạc nhiên, bởi, tôi thường thấy người ta chuyển khoản vài trăm, vài triệu chứ ít khi nghĩ với những khoản tiền nhỏ nhiều người cũng có thói quen chuyển khoản. Ngay cả chuyện quán nhỏ ấy có mã QR cho khách hàng chuyển khoản cũng khiến tôi “mắt tròn mắt dẹt”.
Tự nhiên thấy mình “lạc hậu” khi không cảm nhận được thói quen chuyển khoản đã trở thành điều gì đó không thể thiếu của nhiều người.
Và thực tế, thói quen chuyển khoản chỉ mới phát triển mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây, khi hầu hết các ngân hàng đều áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản. Trước đó, nhiều ngân hàng khi triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử đều áp dụng mức phí giao dịch đối với phương thức thanh toán này. Và phí giao dịch dao động từ 3.300 đồng/lần chuyển nội bộ và 7.700-11.000 đồng/lần chuyển khác ngân hàng. Ngoài ra, một số ngân hàng còn quy định phí chuyển tiền tỷ lệ theo mức tiền cần chuyển…
Số tiền phí này không lớn với những người có điều kiện và có thói quen chuyển khoản với số tiền lớn. Nhưng nếu thường xuyên thực hiện các giao dịch hay chuyển khoản từng món nhỏ từ vài chục ngàn thì số tiền này không hề nhỏ.
Nắm bắt được tâm lý cũng như xu hướng thanh toán trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, nhiều ngân hàng đã chủ động miễn phí giao dịch trên tài khoản ngân hàng điện tử. Cụ thể, các ngân hàng thương mại triển khai miễn, giảm phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền, phí phát hành thẻ, phí rút tiền tại ATM… cho cả đối tượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân; triển khai tích điểm bằng cách thanh toán thẻ hoặc thực hiện các giao dịch thanh toán hóa đơn/mua sắm/thanh toán bằng mã QR… trên mobile banking để đổi quà, mua sắm hàng hóa…
Đó là cơ sở quan trọng hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong người dân và là cơ sở phát triển hệ thống khách hàng của các ngân hàng.
Thông tin Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Huế cho thấy, chỉ tính riêng năm 2022, doanh số thanh toán và sử dụng thẻ của chi nhánh đạt hơn 1.800 tỷ đồng; số lượng khách hàng đăng ký sử dụng ngân hàng điện tử mới trong năm cũng đạt trên 30.000 khách hàng. Đây là con số tăng trưởng khách hàng không hề nhỏ trong môi trường cạnh tranh như hiện nay.
Bứt phá trong thanh toán
Không chỉ chủ động trong việc miễn, giảm phí giao dịch, các ngân hàng cũng đầu tư, đa dạng các kênh thanh toán. Đây cũng chính là thành tố quan trọng tạo nên sự chuyển biến trong tâm lý tiêu dùng.
Theo nhận định từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, hiện 100% các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện đa kênh, đa dạng các phương thức thanh toán, mô hình kết nối mới (thanh toán qua mã QR Code, giao dịch ví điện tử, tiền di động, thanh toán thẻ, tài khoản thanh toán…), cung cấp dịch vụ ngân hàng online với hệ sinh thái đa dạng và hoàn thiện hơn. Các ngân hàng cũng thường xuyên nâng cấp và tối ưu các nhu cầu thanh toán thông thường của đại đa số khách hàng.
Ngoài ra, 100% các ngân hàng thương mại đều có phương án triển khai giải pháp định danh điện tử CKYC cho khách hàng mở tài khoản thanh toán trên hệ thống thanh toán trực tuyến của đơn vị; phát hành thẻ ATM tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán hàng; triển khai kết nối trực tiếp với ví điện tử FOXPAY (nền tảng ví điện tử tích hợp sẵn trên ứng dụng Hue-S). Từ đây, khách hàng hoàn toàn có thể trải nghiệm hầu hết các dịch vụ ngân hàng cá nhân thông qua nền tảng số.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, chính sách miễn, giảm phí cũng như định hình các kênh thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng thương mại không chỉ tạo thuận lợi cho khách hàng mà còn giúp các ngân hàng huy động thêm nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn. Bởi khi người dùng có thói quen mua sắm, thanh toán trực tuyến thì lượng tiền trong tài khoản của người dân theo đó cũng tăng lên. Các ngân hàng cũng có thể tận dụng nguồn vốn giá rẻ, với lãi suất rất thấp này để phục vụ cho các mục tiêu tăng trưởng khác.
Tính đến cuối năm 2022, tổng số lượng giao dịch qua kênh Mobile banking đạt 70.171 tỷ đồng với 9,2 triệu món, tăng hơn 24% so với năm 2021; qua kênh Internet banking đạt 63.762 tỷ đồng với 7,8 triệu món, tăng 20% so với năm 2021.
Bài, ảnh: Hoàng Anh