Hiệu quả, bền vững cho nông nghiệp

Bước vào năm 2023, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. So với đầu năm ngoái, các loại phân bón đều tăng gấp 2 đến 3 lần. Chẳng hạn một bao phân ure 50kg giá từ trên dưới 350 ngàn đồng trước đây nay lên gần 1 triệu đồng…

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao kéo theo chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao, trong lúc đa phần giá cả các mặt hàng nông sản vẫn không tăng, khiến nông dân thua lỗ. Thực trạng này đã ít nhiều ảnh hưởng, “đẩy” đất nông nghiệp xuống giá trị rất thấp. Tại nhiều địa phương, một sào đất nông nghiệp trước đây được các hộ neo người cho thuê giá 1 triệu đồng/năm thì nay chỉ còn 100 ngàn đồng, mà chỉ những người “tâm huyết” lắm với đất mới thuê, bởi hy vọng được đồng lãi là rất khó.

Nguyên nhân giá vật tư nông nghiệp tăng cao được chỉ ra do tình hình thế giới bất ổn; trong đó, xung đột Nga – Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình nguồn cung.

Thật ra, Việt Nam chúng ta vẫn có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất các loại vật tư nông nghiệp. Riêng phân bón, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có gần 800 cơ sở sản xuất phân bón; riêng năm qua, Việt Nam xuất khẩu 1,7 triệu tấn phân bón các loại, vượt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2022 nước ta cũng nhập khẩu 3,44 triệu tấn phân bón các loại; nguyên nhân, một phần do một số loại sản phẩm phân bón trong nước không sản xuất được, một phần nhiều loại phân bón từ nước ngoài tràn vào do lợi thế về thuế, song, giá vẫn rất cao…

Sự hội nhập quốc tế cũng tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có sản phẩm nông nghiệp được vươn ra thị trường các nước. Hiện nay, châu Âu và một số nước đã nới lỏng kiểm soát nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam; đồng thời Trung Quốc cũng mở cửa trở lại sau thời gian dài phòng, chống dịch COVID-19, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản Việt Nam trong thời gian tới… Vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ vào đồng ruộng, trong điều kiện giá cả vật tư nông nghiệp đang neo ở mức cao.

Tín hiệu vui là những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã được ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương quan tâm. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu đã được hình thành và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo đánh giá, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn còn ít, các mô hình nông nghiệp hữu cơ vẫn còn khiêm tốn so với diện tích nông nghiệp hiện nay, kéo theo đó là sự tăng trưởng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp…

Thực tế đã chứng minh, sản phẩm nông nghiệp có giá trị, được thị trường ưa chuộng, nhất là thị trường các nước phát triển, là sản phẩm nông nghiệp được canh tác theo hướng hữu cơ, ít sử dụng phân bón hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật. Vậy nhưng, đa phần sản xuất nông nghiệp hiện nay phải sử dụng các loại phân, thuốc hữu cơ đắt đỏ, để rồi cho ra các sản phẩm giá trị thấp. Đây là một nghịch lý, cần được từng bước tháo gỡ, nhằm hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Đặng Thành

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Phá chuyên án mua bán trái phép chất ma túy

Công an làm việc với đối tượng Qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh điều …