- Huế – Kinh đô Áo dài: Trải qua hơn 180 năm lịch sử, trang phục Đàng Trong thay đổi từ lớp lót màu sắc đến áo dài ngũ thân. Áo dài Huế ngày nay vẫn đậm nét truyền thống, được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trang phục Đàng Trong qua thời kỳ lịch sử
Từ buổi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa đến lúc Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương, Đàng Trong và Đàng Ngoài đã trên 180 năm cách trở, cuộc sống của người dân Thuận Hóa vẫn tiếp tục phát triển theo dòng chảy luân hồi của văn hóa Đại Việt, nhưng bồi đắp vào đó còn có lớp phù sa của văn hóa Chăm, có những sáng tạo mới, khác với phương Bắc. Trang phục của người dân cũng biến đổi theo.
Christoforo Borri, một giáo sĩ đến Đàng Trong giai đoạn 1618 – 1622 (thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên), trong tập du ký viết bằng tiếng Ý “Tường thuật về sứ mạng mới của các cha dòng Tên tại vương quốc Đàng Trong” đã mô tả: “Xứ nầy có lối trang phục cho phụ nữ kín đáo nhất trong toàn cõi Ấn Độ… họ mặc năm sáu lớp lót màu sắc khác nhau… khoác ngoài là một tấm lớp áo the mỏng… tạo nên vẻ ngoài yêu kiều trang trọng”; “Trang phục của đàn ông thì ngược lại, chỉ là một tấm vải quấn quanh thân thay cho quần chẽn, phần thân trên mặc thêm sáu lớp áo dài rộng, nhiều màu sắc dệt bằng lụa mịn với phần ống tay như áo các Cha thuộc dòng Benedict”; “Học trò và thầy đồ là những người nghiêm trang, không ăn mặc sặc sỡ hào nhoáng là bao mà thường chỉ vận một chiếc áo dài đen bên ngoài những lớp áo khác”. Qua mô tả cho thấy trang phục Đàng Trong đã thay đổi so với Đàng Ngoài, đặc biệt đã có áo dài đen của nho sinh và thầy đồ.
Nguồn thông tin được tham khảo từ: huengaynay.vn
Nội dung được biên tập, sáng tạo thêm bởi: thuathienhue.org