Theo kế hoạch, tháng 6/2023, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ vào thanh tra lần thứ 4 về việc Việt Nam tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản. Để chuẩn bị cho lần rà soát này của EC, từ đầu tháng 12/2022 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong chiến dịch 180 ngày có rất nhiều việc phải làm, cần sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương, nhất là 28 địa phương ven biển.
Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo bằng thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản đánh bắt của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), với lý do những nỗ lực của Việt Nam không đủ cương quyết trong việc ngăn chặn hoạt động khai thác IUU.
Ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố ven biển, cả hệ thống chính trị đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC.
Trong khoảng thời gian 5 năm, qua 3 lần rà soát, EC ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong chống IUU và đưa ra 4 nội dung quan trọng Việt Nam cần phải đáp ứng. Đó là, khung pháp lý; quản lý, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc, quản lý cả sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm đánh bắt trên biển; việc thực thi pháp luật chưa đồng đều, chưa hiệu lực, hiệu quả.
Trong 4 nội dung trên, nước ta đã làm khá tốt nội dung thứ nhất, với việc ban hành Luật Thủy sản 2017 cùng một loạt nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật, hình thành khung pháp lý cho yêu cầu gỡ thẻ vàng. 3 nội dung còn lại, tuy đã có nhiều chuyển biến, đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại, như vẫn có tàu vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài; việc giám sát hành trình, cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt chưa hoàn chỉnh; việc xử lý tàu vi phạm chưa kiên quyết; hạ tầng nghề cá vẫn còn yếu kém…
Trong chiến dịch 180 ngày mà Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023, có 6 nhiệm vụ giải pháp từ nay đến tháng 5/2023 phải hoàn thành theo khuyến nghị của EC. Trong đó bao gồm các vấn đề: Thông tin truyền thông; khung pháp lý, cơ chế, chính sách; quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm. Quyết định 81 cũng nêu rõ các nội dung phải thực hiện, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian phải hoàn thành, sản phẩm phải chứng minh.
Là 1 trong 28 địa phương ven biển, Thừa Thiên Huế có 613 tàu cá có đăng ký, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên là 417 chiếc, với khoảng 5.000 lao động. Đến nay, 610/613 tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản (còn 3 tàu đang nằm bờ cải hoán); 417/417 tàu thuộc diện bắt buộc đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Ban Quản lý Cảng cá thực hiện và giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng theo quy trình, quy định, đạt 100%. Hầu hết chủ tàu cá xa bờ chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước như lắp đặt thiết bị VMS, sơn dấu nhận biết tàu cá, cập cảng được chỉ định để bốc dỡ hàng hóa đúng quy định, hoạt động khai thác đúng nghề, đúng tuyến, không có trường hợp vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài… Những kết quả đạt được của Thừa Thiên Huế là khá toàn diện, cơ bản đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, chống khai thác IUU là cuộc chiến liên tục, không ngừng nghỉ, nếu lơ là, buông lỏng thì nguy cơ ngư dân tái vi phạm là rất dễ xảy ra. Việc khắc phục thẻ vàng của EC là mục tiêu trước mắt, nhưng cũng là cơ hội để ngành khai thác thủy sản Việt Nam tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, theo chuẩn mực quốc tế.
Hoàng Minh