Hai chỉ số đáng suy nghĩ

Có thể “tờ báo văn nghệ” ở đây mới chỉ là một góc nhìn mang tính đại diện, nhưng việc “phải đọc sách” chắc chắn đã là một con số cụ thể, được đề nghị một cách cụ thể. Việc đọc sách và văn hóa đọc lâu nay đã không ít lần được công luận nhắc tới, nhưng chừng như vẫn chưa được thẩm thấu bao nhiêu trong cuộc sống. Người đọc vẫn bị cuốn đi bởi rất nhiều kênh thông tin trên các nền tảng số.

Việc sử dụng di động của người Việt đã không còn ở mức trung bình 4 giờ mỗi ngày nữa mà đã tăng lên 25%, ở mức 5,1 giờ mỗi ngày – theo báo cáo về “Thị trường ứng dụng di động 2021” của Appota – một đơn vị cung cấp các nền tảng tiện ích cho điện thoại thông minh tại Việt Nam. COVID-19 và thời gian giãn cách xã hội đã làm thay đổi thói quen và gia tăng thời gian tương tác với thế giới thông qua smartphone được cho là lý do ở chỉ số đầu tiên này. Nhưng chắc chắn, đó chưa phải là nguyên nhân chính của việc đã trở nên ngại hơn, thậm chí là lười đọc sách hơn từ phía công chúng.

Tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam ngày một giảm đi là phát biểu khác của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng về Ngày sách Việt Nam vào năm 2019. Chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách là một khảo sát quốc tế khác vào năm 2016 (nguồn Báo Thanh niên). Có lẽ đây là một tỷ lệ đáng suy nghĩ khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần nhưng người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.

Người Việt thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Điều này cũng đồng nghĩa là mỗi người chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách mỗi năm. Đây là một chỉ số thứ hai mà chúng tôi muốn đề cập, và nó quá ít ỏi theo một khảo sát đã được công bố. Nếu so với số sách toàn ngành xuất bản đã thực hiện trong năm 2020 là 33.000 đầu sách với trên 400 triệu bản, chúng ta sẽ thấy một độ vênh khá lớn trong việc tiếp cận sách của người đọc.

Nếu công chức dành thời gian để đọc, trước tiên là đọc văn bản rồi đọc sách, thì công việc của họ sẽ có được kết quả tốt hơn nhiều là cách mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chia sẻ. Ông cũng đã cho rằng, công chức Nhà nước đang còn rất lười đọc, ngay cả đọc văn bản liên quan tới công việc của mình. Tôi đọc lại những điều này và nhớ tới lời khuyên mà mình đọc được ở đâu đó, về việc khi chỉ có 3% người lớn dành bất cứ thời gian nào để đọc sách mỗi ngày thì bản thân sẽ có thêm tính cạnh tranh trong một bối cảnh mà người ta có quá nhiều không gian để giải trí…

NGUYỄN AN NHIÊN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …