Góp ý để sửa đổi tốt hơn

Thu hồi, quy hoạch đất đai luôn là vấn đề được mọi người dân quan tâm

Hiện nay đang là thời điểm mọi tầng lớp nhân dân quan tâm góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thời điểm này ở Thừa Thiên Huế cũng không ngoài cuộc với mục tiêu: góp ý để Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống.

Thời gian qua, lĩnh vực đất đai trở nên “nóng sốt” trong đời sống, bởi nó không chỉ là nguồn lực quan trọng của Nhân dân mà còn là “điều kiện cần” để Nhà nước triển khai các hoạch định, chiến lược thúc đẩy phát triển xã hội. Luật Đất đai lâu nay đã trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý xã hội trên lĩnh vực này, nhưng cũng được cho là dễ bị thực tiễn gây “biến động”, phát sinh vướng mắc, thậm chí lạc hậu.

Ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, tại địa phương công tác quản lý đất đai thời gian qua gặp không ít khó khăn bởi nhiều nguyên nhân, như thực trạng đất đai phức tạp, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất tăng cao để đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH); trong đó còn nhiều quy định về đất đai vẫn chưa phù hợp…

Đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và Nhân dân trong quản lý, sử dụng đất đai là mục tiêu được xem hàng đầu của mỗi hoạt động liên quan đến nguồn tài nguyên này, nhất là việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng không phải lúc nào cũng đạt được.

Một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vướng mắc, thậm chí xung đột giữa cơ quan quản lý và người sử dụng đất trong quá trình GPMB là nhiều quy định chưa phù hợp thực tiễn, khó thực hiện. Thực tế này đã được nêu trong nhiều cuộc họp góp ý sửa đổi các quyết định của UBND tỉnh về thực hiện phương án GPMB. Vào các dịp này, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, cần bổ sung, sửa đổi các quy định để tránh gây thiệt thòi cho người sử dụng đất, nhưng theo giải thích của cơ quan chuyên môn, không thể sửa đổi những quy định này bởi quyết định của UBND tỉnh phải phù hợp với Luật Đất đai.

Thực tế, có những quy định thông thoáng, tạo thêm quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, nhưng đã bị cơ quan chức năng tuýt còi vì không đúng các quy định hướng dẫn của Luật Đất đai. Vì vậy, những phản ánh này, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương có thể góp ý trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.

Nhu cầu xây dựng một bộ luật đất đai sửa đổi sát thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và phát huy hiệu quả trong quá trình quản lý Nhà nước trở nên bức thiết và là vấn đề được xã hội quan tâm.

Theo các chuyên gia, Luật Đất đai năm 2013 trong thời gian qua đã được yêu cầu sửa đổi rất nhiều lần bởi nhiều đối tượng, từ người sử dụng đất cho đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Thậm chí, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phản ánh về mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đất đai năm 2013 với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10/2023. Để ghi nhận ý kiến rộng rãi và hiệu quả, cuối năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và đặc biệt sôi nổi nhất là trong thời gian này.

Hiện tại qua nhiều kênh ghi nhận khác nhau, UBND tỉnh cũng đã tổng hợp ý kiến, trong đó rất nhiều ý kiến xác đáng từ thực tiễn liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi phát triển quỹ đất; cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất…

Bài, ảnh: SONG MINH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …