Giúp nhau trồng chuối để phát triển kinh tế
Thấm thoát cũng đã 3 năm rồi cái ngày ra đời tổ “Đổi ngày công lao động” ở thôn 8, xã Thượng Long (huyện Nam Đông). Làm rẫy, trồng lúa, thu hoạch keo trồng… bao nhiêu công việc cần tới sức lao động. Vào mùa vụ, công việc tất bật và khẩn trương, vậy mà đối với từng gia đình Cơ Tu ở vùng núi khó khăn này đâu dễ sẵn có tiền mặt để thuê mướn nhân công. Được cấp hội phụ nữ xã vận động, tổ hợp tác này ra đời.
Chiều muộn, vùng cao Thượng Long (Nam Đông) yên ắng lạ. Được chị Trần Thị Lụt, Chủ tịch Hội LHPN xã báo tin, chị tổ trưởng Ka Nô rủ thêm mấy chị em trong tổ cùng sẵn sàng đón khách. Từ cái nhìn ban đầu, khách chủ gặp nhau đã thấy quen thân. Ấm nước chè xanh mời khách chưa kịp uống, đã thấy cả một rổ mía ngon lành chờ sẵn. Ui chao, ăn vô ngọt lịm. Đồng bào dân tộc vùng cao là thế, tình cảm và chân chất!
Chị Ka Nô nói, rồi cả nhóm cùng chia sẻ và góp ý thêm thật rôm rả. Tôi hình dung được về hoạt động của tổ “Đổi ngày công lao động” này như sau: Tổ tập hợp được 23/89 hội viên phụ nữ trong thôn, đứng ra nhận các công việc của các gia đình, chủ yếu là trong tổ, rồi phân công nhau. Chẳng hạn như hôm nay gặt lúa cho nhà này 5 công, mai thu hoạch keo cho nhà kia 7 công… ghi rõ tên người cụ thể. Chị Ka Nô đưa cho tôi xem cuốn sổ chấm công, ghi chép rõ ràng. Chị bảo, là để đảm bảo công bằng cho mọi người trong tổ.
Ngày công lao động được định với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường lao động bên ngoài, cao nhất chỉ khoảng 50.000 đồng/công. Người lao động chỉ nhận được 5.000 đồng gọi là để ăn sáng (!). Còn lại toàn bộ tiền góp vô quỹ hội. Ba năm qua, tổng số tiền quỹ hội lên tới hàng chục triệu đồng. Quỹ hội phần dùng để cho chị em trong tổ vay để chăn nuôi (mua con giống) với mức 5 triệu đồng/suất, tương đương tiền gửi ngân hàng. Đã có 10 người được vay và rồi ai cũng được vay hết, một chị trong tổ bảo nếu có nhu cầu.
Thu nhập gây quỹ của tổ “Đổi ngày công lao động” ở thôn 8, xã Thượng Long còn dùng để giúp đỡ cho những trường hợp ốm đau và gặp khó khăn với mức 200.000 đồng/người. Rồi nữa là tổ chức tham quan. Bàn về chuyện này, cả nhóm đều hớn hở và phấn khởi. Họ cùng nhắc đến những trải nghiệm và kỷ niệm vui về chuyến đi vừa qua tại Huế và chia sẻ rằng, sẽ cố gắng gây thêm quỹ để sắp tới có thêm nhiều chuyến đi nữa.
Chị Hồ Thị Thanh Tuyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đông cùng đi cho biết, mô hình tổ “Đổi ngày công lao động” hiện tại còn có tại các xã Thượng Lộ, Hương Phú, Hương Sơn, Hương Hữu. Bên cạnh đó, thực hiện cuộc vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, ở Nam Đông còn có các mô hình tương thân tương ái, như “Tiết kiệm tiền chợ” tại xã Hương Xuân, “Tiết kiệm heo đất” xã Hương Lộc, nhóm tiết kiệm và cho vay thôn bản tại 2 xã Thượng Lộ và Hương Sơn…
Mô hình “Đổi ngày công lao động” ở Thượng Long gợi nhớ đến tập tục Rơ ving của người Cơ Tu. Chuyện rằng, từ xa xưa, Rơ ving cũng có những quy định mang tính truyền thống về ngày công lao động, số lượng người tham gia lao động và thời gian trên cơ sở bàn bạc, thống nhất rõ ràng. Những ngày công lao động sẽ được đổi bằng những ngày công lao động tương ứng. Người Cơ Tu đổi ngày công lao động của mỗi người cho nhau để tồn tại và phát triển, đó cũng là phương pháp hữu hiệu nhất để hoàn thành một công việc, tiết kiệm thời gian và công sức của mỗi người.
Mô hình “Đổi ngày công lao động” là cách giữ gìn và bảo tồn tập tục Rơ ving, một nét đẹp văn hóa, giàu tính nhân văn của bà con dân tộc Cơ Tu ở Nam Đông nói riêng và cả miền Trung nói chung. Bình cũ vẫn còn dùng tốt!
Bài, ảnh: AN NHIÊN