Nhiều lần chuyện trò, tiếp xúc với các thế hệ quản lý, giảng viên ở Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học mới thấy sự cần thiết trong đổi mới khung chương trình đào tạo gắn với các chuyên đề, môn học liên quan đến thực tiễn văn hóa, văn chương ở Huế. Bởi lẽ, các di sản văn hóa Huế không còn bị đóng khung trong một địa phương, một đất nước, mà sức lan tỏa của nó đã thực diễn ở phạm vi thế giới. Do vậy, việc trang bị cho sinh viên ngữ văn những nội dung kiến thức về di sản văn hóa Huế sẽ tạo nên sự khác biệt trong đào tạo, quan trọng là đưa di sản đến với sinh viên nhằm tạo được một hành trang kiến văn quan trọng ở lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn.
Sinh viên lớp Ngôn ngữ, Hán Nôm, Văn học Việt Nam tham gia trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội, tháng 10/2020.
Đảm nhận thỉnh giảng hai môn học “Di sản văn hóa Huế và Văn học cung đình triều Nguyễn” ở Khoa Ngữ văn, tôi lại càng cảm nhận sâu sắc hơn về những tâm huyết của các thế hệ quản lý, giảng viên ở đây. Hai môn học này đều áp dụng cho cả ba ngành học Ngôn ngữ, Hán Nôm và Văn học Việt Nam.
Những tiết giảng ở cơ sở đào tạo giúp sinh viên có cơ hội được tiếp cận, lĩnh hội về chiều sâu văn hóa Huế từ cái nhìn mang tính khái niệm, tổng quan đến những vấn đề cụ thể, điểm nhấn của các loại hình di sản thế giới ở Huế và gắn với triều Nguyễn. Đó là Quần thể di tích Cố đô Huế – di sản văn hoá thế giới; Nhã nhạc, âm nhạc cung đình triều Nguyễn – di sản văn hoá đại diện nhân loại và Thơ văn trên kiến trúc cung đình – di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc chương trình Ký ức thế giới. Bên cạnh đó, sinh viên còn tiếp cận với các loại hình di sản khác như Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn đều được công nhận là di sản ký ức thế giới cùng các loại hình cổ vật khác nhau của triều Nguyễn.
Từ lý thuyết đến thực tiễn, sinh viên hứng thú nhất là các tiết học thực tế tại di sản. Do có hoàn cảnh công tác đặc biệt, làm công tác quản lý di sản, nên các môn học này, tôi thường cho các sinh viên đi trải nghiệm học tập ngay tại di sản. Ở các tiết học này, sinh viên sẽ “mục sở thị” quan sát trực tiếp di sản, học tại hiện trường, nghe những thông tin và câu chuyện lịch sử liên quan đến hoàng cung, lăng tẩm; nghe giới thiệu về các cổ vật hoàng gia với nhiều câu chuyện kỳ thú. Các buổi học ấy thường diễn ra ở Hoàng Cung và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Sinh viên còn được vào Duyệt Thị Đường (Đại Nội), một nhà hát của hoàng gia được xây dựng năm 1826 dưới triều Minh Mạng, để thưởng thức, trải nghiệm một chương trình đặc sắc với các tiết mục tuồng cung đình, múa cung đình và nhã nhạc. Cách tiếp cận trực quan ấy đã trở thành những minh họa sống động nhất mà không một thiết bị, hay phần mềm mang tính công nghệ nào có thể thực hiện tốt hơn.
Sinh viên lớp Ngôn ngữ, Hán Nôm, Văn học Việt Nam tham gia trải nghiệm tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, tháng 9/2020
Từ học tập tại lớp đến trải nghiệm thực tế ở các di sản đó là cách tiếp cận tương hỗ, bổ sung nhằm trang bị “một kiến thức ngữ văn” cho sinh viên, gắn liền với mục tiêu đào tạo và khả năng ứng dụng trong tương lai. Cơ sở nền tảng ấy chính là sự khởi đầu cho một quá trình tiếp cận, rồi khai mở lâu dài đối với sinh viên, như nhiều thế hệ đã từng.
Việc đưa di sản đến với sinh viên không chỉ là nhu cầu từ một phía, mà đó còn là nhu cầu từ góc nhìn của bản thân nhà quản lý di sản. Trong nhiều năm qua, sự phối hợp của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong nhiều hoạt động gắn liền với sinh viên của các Trường ĐH Khoa học, ĐH Sư phạm, ĐH Phú Xuân… trong các lễ hội đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Các năm 2006, 2007, 2008 rồi vào các dịp lễ, tết về sau, qua chương trình Đêm Hoàng Cung với các trò chơi cung đình và dân gian đã được tái hiện tại Đại Nội luôn có sự đóng góp chủ yếu về nguồn nhân lực là các sinh viên. Các bạn sinh viên sau khi được “tập huấn” sẽ trở thành người tổ chức, điều hành các trò chơi cung đình và dân gian như Thả thơ, Đổ Xăm hường, Ném Đầu hồ, Bài vụ. Họ là “linh hồn”, là người điều khiển các trò chơi, là người thay mặt đơn vị tổ chức tiếp xúc, giao tiếp với hàng chục ngàn lượt du khách đã từng đến tham dự chương trình Đêm Hoàng Cung và trải nghiệm ở khu di sản Huế.
Tùy vào đặc trưng của loại hình đào tạo để hình thành câu chuyện giáo dục di sản đối với sinh viên, năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã ký kết thỏa thuận hợp tác và ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với Khoa Kiến trúc – Đại học Huế giai đoạn 2022-2025. Theo đó, nhiều nội dung đã được thống nhất giữa hai bên để triển khai, đặc biệt là trong địa hạt giáo dục và đào tạo sinh viên, cụ thể như: Phối hợp giữa Khoa Kiến trúc và Trường ĐH Nghệ thuật tổ chức trại sáng tác ký họa di sản và tổ chức triển lãm; tiếp nhận sinh viên Khoa Kiến trúc phục vụ nhu cầu thực tập và quảng bá di sản; phối hợp tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên để sinh viên có cơ hội thực tiễn di sản, khuyến khích sinh viên nghiên cứu và làm các bài nghiên cứu về kiến trúc cổ…
Giáo dục di sản nói chung và di sản văn hóa Huế nói riêng là câu chuyện không mới, nhưng vẫn luôn mới bởi cách làm, cách triển khai thực hiện căn cứ vào ưu thế, khả năng của từng đơn vị. Hơn bao giờ hết, cần nhận thức rõ rằng, muốn bảo tồn bền vững di sản văn hóa trong điều kiện toàn cầu hóa như hiện nay, việc nâng cao nhận thức qua truyền đạt thông tin, quảng bá, giảng dạy di sản trong sinh viên, trong thế hệ trẻ là những công việc thường xuyên, liên tục đòi hỏi sự cộng hưởng, gắn kết từ nhiều phía.
Bài, ảnh: Nguyễn Phước Hải Trung