Góc bếp bập bùng lửa sáng

Khép lại những ngày thu, cơn mưa lúc rạng sáng vỗ về giấc ngủ muộn mằn như một sự nuông chiều bé mọn. Ủ mình trong chiếc chăn mỏng sực thơm hương hoa, nghe tiếng dép lẹp kẹp từ trong nhà ra sân, lát sau là tiếng bẻ củi lách cách, tôi biết mẹ đã nhóm lửa đun nước. Mỗi sáng, đó như là phần việc được mặc định, dẫu lặp đi lặp lại nhiều năm nhưng mẹ chẳng bao giờ thấy ngại ngần, nhàm chán. Quanh năm, góc bếp nhỏ vẫn bập bùng cháy lên lửa ấm. Dù nhà có khu bếp và công trình phụ nhiều tiện ích, bếp gas, bếp điện đủ cả, song mẹ không ngày nào chịu để gian bếp củi nguội lạnh. Nhiều năm trước khi xây cất lại căn nhà, mẹ một mực kêu cha tôi chừa đất để dựng gian bếp củi này. Mẹ bảo: “Nhà mình gần rừng, vườn tược lại rộng rãi nên củi nhả nhiều. Người quê quanh quẩn ruộng đồng, nuôi bò, chăn gà, bỏ bếp củi sao đành”.

Không riêng nhà tôi, mà ở quê hầu như mọi nhà vẫn giữ không gian bếp củi. Vì ở gần rừng, nên củi rất sẵn. Mỗi khi thu hoạch rừng, biết bao là cành răm, ngọn nhỏ được bỏ lại, mấy ngày liền các mẹ, các dì tìm đến róc thành từng bó, đem về cất lên chạn củi. Những món hầm, kho mẹ bắc lên bếp củi, còn mấy món rang, xào nhanh mới dùng bếp gas. Mẹ cười rổn rảng bảo, ai lo giá gas tăng đắt, chứ mẹ chẳng khi nào lo vì đã có bếp củi “cân” hết. Tôi cực kỳ thích nghe tiếng bẻ củi lách cách giòn giã, tiếng củi bắt lửa kêu lẹt đẹt, tí tách. Tôi mê bếp củi bởi làn khói nồng hương gỗ bạch đàn, mùi gỗ tràm ấm ran, mùi khói bám vào quần áo, vương trên tóc và thịt da của mẹ.

Góc bếp củi thuộc về riêng mẹ, bởi chị em tôi làm việc ở thành phố, mỗi cuối tuần mới trở về quê. Ngày nghỉ mà việc kiêm nhiệm nhiều, nên lắm khi cứ phải “dán” mắt vào laptop, ipad với những báo cáo, kế hoạch, đề cương… Chỉ có mẹ lui cui sớm tối, đôi bàn tay dính than tro, bụi trấu vẫn quen phủi vào vạt áo hông quần mà chuẩn bị những bữa cơm ngon. Những khi bất ngờ bị cắt điện, mẹ hào hứng đem chiếc nồi gang từ những năm một nghìn chín trăm… hồi đó ra, lau rửa sạch sẽ và đong gạo nấu cơm. Chẳng biết từ lúc nào, phần cơm cháy trở thành đặc sản với chúng tôi.

Sự bận bịu của mẹ nơi góc bếp rất đỗi quen thuộc, nhịp nhàng khiến tôi nôn nao nhớ gian bếp ngày thơ bé. Gian bếp có tấm liếp tre che mưa, chắn gió, có chiếc chạn bát bằng gỗ, trên chạn bát có hũ đường phên mẹ đã cắt từng miếng nhỏ đem cất lên chỗ cao nhất vẫn bị mấy chị em thón thén lấy ăn. Ngày đông rét giá, kéo tấm liếp lại, cả nhà dọn cơm kế bếp ấm, mỗi người một chiếc ghế đẩu ngồi ăn. Sáng lạnh, việc đầu tiên tôi làm sau khi thức dậy là chạy xuống bếp, hơ tay ấm rồi áp lên mặt. Làm vậy một lúc thì tôi mới đủ tinh thần ra giếng kéo nước vệ sinh răng miệng mặt mũi. Tết đến bố gói giò hoa, mẹ làm lạp sườn treo lủng lẳng trên xà bếp. Gian bếp ấy, chị em tôi mỗi đứa một chiếc thìa ngồi xổm ăn cơm nguội được mẹ chia phần trong chiếc nồi gang mỗi sáng trước khi đến lớp, ra đồng. Nơi đó, mùi thơm bồ kết nướng mê hoặc, mái tóc như cũng xôn xao khi biết sắp được đằm mình trong hương thơm dìu dặt…

Thế hệ chúng tôi trải qua thời kỳ nghèo khó, mùa đông thiếu áo, thiếu chăn, bố thường đặt chậu than xuống gậm giường sưởi ấm. Những ngày mưa nồm ẩm ướt, áo quần phơi cả tuần không khô, tôi nghĩ ra cách đem hong trên bếp lửa. Hong xong, nghe mùi khói bám vào chiếc áo, vẫn vô tư vui vẻ mặc tới trường. Cạnh bếp lửa bập bùng cháy và léo réo tiếng nước sôi, mấy chị em rủ nhau làm đệm rơm, mang chiếu trải chồng lên ngồi học bài. Lửa ấm biến phút giải lao thành giấc ngủ dài tới sáng, tỉnh dậy cứ ngơ ngác xen chút lo sợ vì bài toán chưa giải xong, bài văn chưa viết kết…

Tôi yêu góc bếp bập bùng lửa sáng, bởi đó là nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm thiếu thời, nơi tôi thấy mẹ trong những phút giây hạnh phúc và rạng rỡ nhất. Cuộc sống cứ mải miết trôi, chỉ có ngọn lửa vẫn luôn ấp iu nồng đượm cháy sáng tỏa lan ấm áp, bất chấp thời gian xoay vần, con người thay đổi ra sao.

Mai Đình

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …