Gỡ khó cho người lao động cận tết

Nhiều lao động bị cắt giảm giờ làm do tình hình kinh tế khó khăn

Nỗi lo trước tết

Một ngày, chị N.T.T, một trong những LĐ đang làm việc ở Công ty Hanesbrands Việt Nam tại Khu Công nghiệp (KCN) Phú Bài nhận quyết định cho thôi việc từ ban quản lý. Chị nức nở: “Dù làm lương không cao nhưng công việc này là nguồn thu nhập để tôi lo cho gia đình. Giờ phải nghỉ làm, lại đúng dịp cận tết, không biết phải xoay xở ra sao”.

Một số doanh nghiệp (DN) khác cho NLĐ nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Đây là điều chưa từng có. Bà P.T.L, một LĐ đang làm việc tại Công ty TNHH Quốc Thắng (TP. Huế) cho biết, làm việc hơn 10 năm nay chưa bao giờ công ty lại thông báo cho LĐ nghỉ cuối tuần. “Từ trước đến nay, chúng tôi chỉ nghe thông báo đăng ký tăng ca vì đơn hàng nhiều, rất cần LĐ làm việc. Công ty cũng tuyển dụng liên tục nên đây là lần đầu tiên được nghỉ thứ 7, chủ nhật khiến nhiều người bất ngờ, lo lắng. Dịp cận tết rồi, việc làm ít đi thì đồng nghĩa lương cũng ít đi”, bà L. cho hay.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 2.112 LĐ của 11 DN đã bị cắt giảm LĐ, việc làm. Theo ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chịu ảnh hưởng bởi tác động của cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine khiến tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới trở nên bất ổn. Giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao trong khi mùa đông ở châu Âu đang bắt đầu.

Những nguyên nhân trên ảnh hưởng đến người dân tại Mỹ, châu Âu khiến nhu cầu chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm bị cắt giảm. Do đó, các DN không có đơn hàng sản xuất. Nhiều DN đã thu hẹp sản xuất, đóng cửa một phần nhà xưởng do đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh. “Tình trạng thiếu đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng về nguyên liệu, lãi suất và tỷ giá hối đoái tăng vọt khiến các nhà sản xuất gặp khó khăn, và hệ lụy của tình trạng hoạt động cầm chừng là cắt giảm LĐ”, ông Vinh phân tích.

Để giải quyết nhu cầu việc làm cho NLĐ

Trước tình hình trên, nhiều DN đã nỗ lực để có thể duy trì việc làm cho NLĐ. “Nhiều DN chỉ giảm giờ làm, cho NLĐ nghỉ luân phiên, nghỉ thêm ngày thứ 7… Mặc dù việc giảm giờ làm đồng nghĩa với giảm lương, nhưng vẫn còn có đồng ra đồng vào để NLĐ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão”, ông Vinh chia sẻ.

Thấu hiểu khó khăn của NLĐ, các cấp công đoàn đã hỗ trợ cho hơn 1.000 LĐ tìm việc làm mới, chuyển sang ký kết hợp đồng LĐ với những DN khác trong KCN. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cũng hướng dẫn giải quyết chính sách hỗ trợ cho NLĐ mất việc, đặc biệt về tiền lương, phúc lợi xã hội, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ.

Theo ông Vinh, tình hình việc làm của công nhân, NLĐ ở một số DN có thể bị ảnh hưởng đến hết quý I năm 2023. Trong tình hình khó khăn, các DN cũng cần chủ động tìm kiếm đơn hàng để bố trí việc làm cho NLĐ; sắp xếp lại nhân sự, tăng cường đào tạo nghề dự phòng nhằm giữ chân NLĐ. Cùng với đó, cần lên kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi tiếp cận các đơn hàng trong tương lai khi tình hình kinh tế ổn định trở lại.

LĐLĐ tỉnh đã có kiến nghị với UBND tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc tăng cường thông tin về thị trường LĐ; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho LĐ mất việc và tư vấn cho DN giải quyết chính sách cho NLĐ. Đồng thời, nắm thông tin thị trường LĐ, cung ứng LĐ của các đơn vị để giải quyết việc làm ngắn nhất, phù hợp nhất với NLĐ lúc khó khăn.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …