Ở quê tôi có cái lệ là những ngày đầu năm không được đi gánh nước và xin lửa nhà khác. Bởi rứa, trước đó trong ngày 30 tết mấy nhà mà giếng nước bị chua phèn không uống được phải đi gánh nước trữ đầy thùng, đầy lu để dùng cho qua khỏi ngày mùng của tháng Giêng. Mà lỡ nhà mô xài hết nước là phải đi xa lên con mội Ong để lấy nước mà uống.
Còn lửa thì tất nhiên rồi, tuyệt đối đầu năm không được qua nhà khác xin lửa. Có mấy nhà cẩn thận, ngày tết cứ đánh một con lăn (cúi) bằng rơm thiệt dài để trong bếp để giữ lửa. Lại nhớ cái máy lửa hồi đó có mấy viên đá lửa nhỏ li ti, nhét thêm ít bông, đổ xăng, rồi quẹt lửa đỏ lên tim máy. Nhà mô cũng có một đến vài cái máy lửa. Nhưng cũng có khi đầu năm chẳng cái máy mô chịu cho ra lửa rứa là phải ra chợ mua cái máy lửa mới mà lấy lửa. Còn một cách trữ lửa trong nhà nữa là vặn cây đèn dầu nhỏ thiệt lu, ngọn lửa trên tim đèn cỡ bằng hột đậu xanh để ít hao dầu, khi cần thì vặn tim đèn lên mà lấy lửa…
Tôi cứ nhớ những lần đi thắp lửa ở quê ngày trước, gặp khi trời mưa gió hay mùa gió Lào thổi mạnh có khi đi nửa đường đèn bị tắt phải quay lại xin lửa tiếp mới bực mình. Lại nghe ba tôi kể chuyện mấy lối chú Túy nhà hàng xóm xuống nhà tôi xin lửa, trên đường về thấy con chuồn chuồn đậu bên hàng rào liền dùng đèn đốt chơi ai dè gió Nam lửa táp vô phên tranh nhà tôi may mà chữa cháy kịp. Cái chuyện xin lửa ở quê ngày cũ làm tôi cứ liên tưởng đến câu nói về tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Cứ qua tết, hết ngày mùng là có thể qua giếng nhà khác gánh nước trong về uống, có thể đi xin lửa để về nấu cơm. Nhịp sống ngày thường trở lại chỉ có mấy đứa con nít thì cảm thấy hơi buồn.
Giếng nước và đụn rơm, hai thực thể không thể thiếu trong đời sống của làng tôi và nhiều làng quê khác bây chừ đang hiếm dần. Trong vườn nhà thì phải đào và xây một giếng nước để sinh hoạt từ ăn uống, giặt giũ, tắm rửa, tưới tẩm… Đầu này vườn là giếng nước thì đầu kia là đụn rơm. Chúng không thể gần nhau bởi một bên là nước, một bên là lửa (chất đốt) xét về mặt phong thủy. Trên thực tế thì nếu gần nhau thì những cọng rơm sẽ bay xuống giếng khi mưa gió, rồi nước từ chân đụn rơm sẽ làm vẩn đục nước giếng. Vì thế chúng phải đứng cách xa nhau mà tạo nên kết cấu cân đối của một khu vườn ở làng quê.
Tôi nhớ tuổi ấu thơ, giếng nước là để tắm mát mùa hè, đụn rơm là để che ấm mùa đông cho anh em tôi, cho cả lũ chó mèo, gà vịt nuôi trong nhà… Chuẩn bị cho mỗi bữa cơm thì anh em tôi đứa lôi rơm, đứa lấy nước vô thùng. Ngày tết, cứ vào tối mùng 3, bà nội nấu xôi chè, soạn cau trầu rượu, soạn bánh ú, bánh tày, bánh in, bánh thuẫn cúng vườn trong đó có cả cúng giếng, cúng ngõ nhà, cúng đụn rơm… Mâm cúng đơn sơ, mỗi nơi như vậy đặt một ít bánh trái, xôi chè. Bà nội tôi nói rằng đó là mâm cúng tạ ơn thổ thần đất đai, những vị thần cai quản giếng, đụn rơm rồi cả chuồng heo, chuồng gà vịt… Mâm cúng đó cũng là nghi lễ cuối của ba ngày tết ở nhà tôi.
Nhà tôi ở quê và rất nhiều nhà khác bây giờ không còn giếng nước, không còn đụn rơm. Đó cũng là lẽ tất nhiên khi nước máy đã về làng từ lâu và bếp gas cũng đã quen với sinh hoạt bếp núc người làng tôi. Về làng bây chừ bằng xe máy cũng đã bắt gặp những cái nhìn ái ngại. Hóa ra mình xa làng mà còn làng hơn cả những người ở làng.
Ngày đầu năm mới, ghé thăm nhà mụ cô của tôi. Ôn mụ đã qua tuổi bát thập vẫn còn sức khỏe là trời thương. Con cái ở xa cả, ôn mụ sống an hòa cùng với vườn rau, giếng nước. Tôi nhìn những luống rau xà lách, rau thơm ngay hàng thắng lối của vườn nhà ôn mụ mà mừng. Mừng hơn là vẫn còn cái giếng vẫn còn đó ngay đầu vườn.
Viết lan man về những nét làng và cứ thương cái giếng, thương cái đụn rơm, thương cái nếp xưa mà chỉ còn những người già như mụ cô tôi còn lưu giữ được…
Phi Tân