Các nhà văn Huế đến thăm tư gia nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình
Văn chương Bình – Trị – Thiên hình thành và phát triển bắt đầu từ năm 1306 với việc Công chúa Huyền Trân về làm vợ vua Chiêm là Chế Mân, đổi lấy châu Ô, châu Rí. Năm 1307, vua Trần Anh Tông tiếp thu vùng đất mới và đổi tên là châu Thuận và châu Hóa, rồi đưa dân từ bắc Đèo Ngang vào khai khẩn, làm ăn sinh sống. Năm 1802, Nguyễn Ánh lật đổ Tây Sơn lên ngôi hoàng đế lập ra triều Nguyễn, chọn Huế làm Kinh đô. Với chính sách chiêu hiền đãi sĩ, không phân biệt người Bắc người Nam của vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị… Huế dần dần trở thành nơi hội tụ những tài năng văn chương cả nước. Thời Gia Long có Nguyễn Du, Nguyễn Hành… Thời Thiệu Trị – Tự Đức có Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Hàm Ninh, Tùng Thiện Vương…
Tình bạn văn khăng khít giữa Nguyễn Hàm Ninh và Tùng Thiện Vương có thể xem sự là mở đầu cuộc giao lưu văn chương giữa Quảng Bình và Thừa Thiên. Mặc dù đã từ quan về sống ẩn mình trong khe núi ở làng Trung Ái (nay là Trung Thuần, Quảng Trạch), nhưng vốn tính phóng khoáng, lãng mạn nên thỉnh thoảng Nguyễn Hàm Ninh vào Kinh đô Huế thăm Tùng Thiện Vương. Những chuyến viếng thăm ấy đã gợi hứng cho ông viết một số thi phẩm mà Tùng Thiện Vương hết sức nể phục, trong đó có những bài Ức mai: Đêm qua, gió bấc thì thào/ Một mình gác nhỏ lạnh vào thấu xương/ Vẳng nghe tiếng sáo mà thương/ Bờ sông, thuở ấy vẫn thường bên nhau/ Hương nam, tuyết bắc còn đâu/ Trăng sân, mây biếc… mộng sầu biệt ly/ Xa xôi muốn gởi thơ đi/ Bên hồ người ngọc tức thì hiện ra!. Bài thơ này Nguyễn Hàm Ninh sáng tác tặng công chúa Mai Am – người mà ông thầm yêu trộm nhớ và được công chúa Mai Am trân trọng đưa vào tập thơ Diệu Liên thi tập của mình. Dám làm thơ “ghẹo” cả công chúa, thiết nghĩ từ xưa đến nay ít ai bạo gan như Nguyễn Hàm Ninh.
Có lần, vào tiết thanh minh, nhà thơ Tùng Thiện Vương ra Quảng Bình tìm thăm Nguyễn Hàm Ninh. Hai ông cùng đàm đạo văn chương thế sự. Trong câu chuyện, Tùng Thiện Vương báo tin cho ông biết: Tàu Tây dương đang ngấp nghé ngoài Biển Đông, rắp tâm xâm lược nước ta, triều đình đã cử tướng tài chuẩn bị đối phó. Nguyễn Hàm Ninh bèn rủ bạn cùng trèo lên một ngọn núi khá cao ở Lệ Sơn (thuộc xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình). Đứng trên đỉnh núi, Nguyễn Hàm Ninh phóng bút làm ngay bài thơ rồi dõng dạc đọc cho bạn nghe: Mưa xong, đồn cũ khói sương sa/ Hoa núi bao quanh thân áo ta/ Ráng chiếu ngàn non xuyên cỏ nội/ Mây bay muôn dặm suốt trời tà/ Núi sông nước Việt không lay chuyển/ Giặc cỏ phương Tây muốn cướp a?/ Nghe nói Chín Tầng đà cử tướng/ Hằng mong thắng trận báo tin ra.
Tùng Thiện Vương khi đọc Tĩnh Trai thi tập của Nguyễn Hàm Ninh, từng hạ bút phê: “Thạnh Đường duy trứ, bách độc bất yếm” (Những bài thơ hay đời Thịnh Đường sót lại, đọc trăm lần không chán). Sự giao lưu văn chương giữa 3 tỉnh Bình – Trị – Thiên được tiếp tục phát triển thời phong trào Thơ Mới (1930 – 1945), thông qua 2 nhà thơ Hàn Mặc Tử và Lưu Trọng Lư. Gia đình Hàn Mặc Tử định cư tại Thanh Tân (Thừa Thiên) nhưng sinh ra và lớn lên ở cạnh nhà thờ Tam Tòa (Đồng Hới). Bút hiệu đầu tiên của ông là Lệ Thanh (ghép Nhật Lệ và Thanh Tân). Hai câu thơ trong bài Mùa xuân chín: Chị ấy năm nay còn gánh thóc, dọc bờ sông trắng nắng chang chang có bóng dáng những động cát trắng Bảo Ninh và dòng sông Nhật Lệ.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư quê Hạ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Ông thi đậu vào học trường Quốc Học Huế. Năm 1933 -1934, ông chủ trương mở Ngân Sơn tùng thư ở Huế. Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), ông tham gia Văn hóa cứu quốc ở Huế. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia hoạt động tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV. Ông có mối tình nổi tiếng với với một nàng tôn nữ xinh đẹp, đài các xứ Huế và cho ra đời những bài thơ tình thấm đẫm chất Huế: Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay/ Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông/ Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng/ Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh…
Sự giao lưu văn hóa giữa 3 tỉnh Bình – Trị – Thiên tiếp tục phát triển thời kỳ nước nhà chia cắt (1954 -1975), thông qua bài thơ Gửi Quảng Bình của nhà thơ xứ Huế – Thanh Hải. Thời đó, Trị Thiên và Quảng Bình đều là những tỉnh ở “tuyến đầu Tổ quốc” nên tình cảm hết sức keo sơn, gắn bó. Thanh Hải đã thay mặt đồng bào Trị Thiên bày tỏ tình cảm sâu nặng ấy với Nhân dân Quảng Bình qua những vần thơ rất đỗi chân thành: Quảng Bình ơi, chín năm xưa đánh giặc/ Vui khổ cùng chung mảnh đất miền Trung/ Xa cách mười năm, mười năm thầm nhắc/ Lòng hẹn lòng qua đôi bến Hiền Lương…
Thời nhập tỉnh Bình Trị Thiên (1975 -1989), được xem là đỉnh cao của sự giao lưu văn chương 3 tỉnh. Tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên và tạp chí Văn hóa Bình Trị Thiên là nơi quy tụ tác phẩm văn chương của các tác giả 3 tỉnh. Đội ngũ sáng tác văn chương Bình Trị Thiên thời đó khá hùng hậu với những tên tuổi: Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Hà Khánh Linh, Trần Vàng Sao, Xuân Hoàng, Hải Bằng, Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Khắc Phê, Mai Văn Tấn, Trần Công Tấn, Xuân Đức, Hoàng Vũ Thuật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Văn Lợi… Đây cũng là thời kỳ xuất hiện những cây bút trẻ đầy tài năng: Hải Kỳ, Ngô Minh, Nguyễn Quang Lập, Hữu Phương, Trần Thùy Mai, Lý Hoài Xuân…
Từ khi chia tỉnh (1989) đến nay, mặc dù không còn ở chung một mái nhà nhưng tình cảm bạn bè văn chương của 3 tỉnh Bình – Trị – Thiên vẫn không hề phai nhạt. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Lê Thị Mây đã chung tay làm nên 17 số Cửa Việt gây được tiếng vang trong cả nước. Cuộc gặp mặt anh em văn nghệ 3 tỉnh cách đây 2 năm ở Huế và chuyến đi đầy tình nghĩa của Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Huế thăm Quảng Bình, Quảng Trị là những minh chứng. Đi sâu tìm hiểu sự giao lưu văn chương giữa 3 tỉnh Bình – Trị – Thiên, chắc chắn sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích và lý thú.
Mai Văn Hoan