Văn bản pháp luật và công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Qua giám sát cần có giải pháp đối với việc chuyển đơn thư lòng vòng – Ảnh: VGP/Lê Sơn
Báo cáo của Đoàn giám sát do Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết: Về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thì so với giai đoạn 2011-2016, số lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Nhà nước giảm 16,1%. Trong đó, khiếu nại giảm 4,8% số đơn và 25,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước; tố cáo tăng 99,3% số đơn và 27,4% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại và tố cáo, Đoàn giám sát cho rằng, do văn bản pháp luật và công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn phát triển KT-XH, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng; công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên khiếu nại, tố cáo không đúng.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa được quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân; thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Việc quy định quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai chưa thực sự có hiệu quả để xác định điểm dừng của việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Công tác quản lý, lập hồ sơ địa chính không đồng bộ, bản đồ, tư liệu về địa chính còn thiếu gây khó xác định nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất nên khi phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo không đủ tài liệu để xem xét, kết luận giải quyết.
Theo Đoàn giám sát, trong quá trình làm việc trực tiếp với các bộ, ngành và địa phương, ngoài các nội dung tìm hiểu, đánh giá về tình hình, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, Đoàn giám sát sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá và dự báo về tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, nhất là sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các dự án có quy mô lớn, trọng điểm của quốc gia, của các địa phương được triển khai, thực hiện để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền có những giải pháp hữu hiệu hạn chế khiếu nại, tố cáo phát sinh, nhất là điểm nóng khiếu kiện. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng, “từ sớm, từ xa” nhằm giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới của Đảng và Nhà nước.
Lập danh sách giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài
Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, qua bước đầu giám sát nổi lên một số tồn tại, hạn chế như trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, nhất là cấp huyện còn nhiều thiếu sót, hạn chế.
Việc thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến việc thực hiện vai trò của người bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính, người đứng đầu các sở, ngành làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của tòa, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.
Việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của cơ quan kiểm sát chủ yếu thực hiện đối với án hình sự và thi hành án còn đối với hoạt động kiểm sát đối với án hành chính, án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp gặp nhiều khó khăn do còn thiếu quy định cụ thể.
Về việc thực hiện rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài thuộc lĩnh vực hành chính, cơ quan hành chính các cấp đã lập danh sách 1.052 vụ việc để rà soát. Trong đó có 35 vụ việc ở 21 địa phương do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ rà soát; 221 vụ việc ở 43 địa phương do Thanh tra Chính phủ lập danh sách đề nghị các địa phương rà soát; 765 vụ việc do 62 địa phương chủ động lập danh sách rà soát và 31 vụ việc trong số 74 vụ việc công dân thường xuyên khiếu nại, tố cáo đông người tại các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đến nay các cơ quan đã thực hiện rà soát xong 940 vụ việc, đạt tỉ lệ 89,35%, trong số 940 vụ việc đã rà soát, qua theo dõi có 120 vụ việc công dân còn tiếp tục khiếu nại.
Qua rà soát, phân loại, trong số 501 vụ việc do cơ quan công an lập danh sách có 192 vụ việc nằm trong danh sách 1.052 vụ việc đã và đang được các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp rà soát, còn 309 vụ việc không nằm trong danh sách.
Từ kết quả giám sát trên, Đoàn giám sát sẽ lập danh sách các vụ việc cụ thể để đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp định kỳ hằng tháng và kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Giám sát có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hóa trách nhiệm
Trưởng Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng: Nếu người đứng đầu đơn vị hành chính hoặc bí thư cấp uỷ mà trực tiếp đứng ra tiếp công dân thì hiệu quả rất cao bởi công dân được đối thoại với thủ trưởng, được họ lắng nghe chân thành và có phương án giải quyết cụ thể. Việc gây ra một số bức xúc của công dân của một số đơn vị là do một phần cán bộ tiếp công dân có cái nhìn không tích cực đối với người dân đi khiếu nại, tố cáo nên đôi khi có những phát ngôn chưa chuẩn mực dẫn đến người dân càng bức xúc hơn.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng nêu thực trạng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo là lĩnh vực khó nhưng vẫn có nơi còn phân công những công chức chưa thật sự có tâm, có tầm trong công tác này mà có hiện tượng cử người không bảo đảm về phẩm chất, năng lực trong công tác này, dẫn đến xử lý công việc không hiệu quả.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phân tích, đây là cuộc giám sát vĩ mô của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng chúng ta cũng nên lựa chọn giám sát một số vụ việc cụ thể về khiếu nại tố cáo đối với lĩnh vực hành chính và tư pháp để có cái nhìn chính xác, cụ thể, khách quan về thực trạng này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị cần có phần mềm liên thông giữa các cơ quan giải quyết để biết được đơn thư được giải quyết đến đâu rồi, có sự liên thông đánh giá hiệu quả của Tòa án Hành chính hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát lớn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc giám sát phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hóa được trách nhiệm tập thể và cá nhận, đưa ra kiến nghị giải quyết được những vấn đề liên quan đến các tồn tại, hạn chế hiện nay, có kiến nghị cụ thể về sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Qua giám sát phải tìm giải pháp để giải quyết được những vấn đề như tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng của các cơ quan, tỉ lệ đơn thư khiếu nại tố cáo đúng là bao nhiêu, các địa phương, cơ quan thực hiện nghiêm việc người đứng đầu việc tiếp công dân ra sao?
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Đây là chuyên đề giám sát quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, nhiều lĩnh vực và đời sống của người dân, báo cáo của đoàn giám sát cần phân tích và làm rõ những ưu khuyết điểm của công tác này, giải pháp khắc phục chuyển đơn thư lòng vòng, khiếu kiện đông người, lĩnh vực nổi cộm, giám sát các vụ việc cụ thể để đẩy nhanh việc giải quyết các vụ việc tồn đọng. phức tạp. Qua đợt giám sát này tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại và tố cáo trong thời gian tới.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ