Giảm được bộ máy là giảm được chi ngân sách

Tinh gọn bộ máy nhưng phải đảm bảo giải quyết tốt các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Xét tuyền về mặt kinh phí, chỉ 2 năm sắp xếp, Nhà nước đã thu “lãi lớn”. Điều này có đúng với đòi hỏi của thực tế cuộc sống không? Có đúng với đòi hỏi của yêu cầu phát triển đất nước không? Câu trả lời là đúng. Vì mục tiêu hoạt động của bộ máy Nhà nước là phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Nói rộng ra là phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của các địa phương. Khi sắp xếp, theo báo cáo trên cả nước đã giảm hơn 10.500 người ở cả hai cấp huyện và xã. Riêng ở Thừa Thiên Huế, khi sắp xếp đã giảm được 7 đơn vị cấp xã và 384 thôn, tổ dân phố. Xem xét nhiều yếu tố kinh tế, xã hội thì thấy, chẳng những hoạt động của bộ máy hành chính không bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực mà còn phát triển theo hướng tích cực. Tức là từ trước đến nay, vô tình hay cố ý, chúng ta đã chấp nhận sự cồng kềnh của bộ máy. Cũng có nghĩa là việc sử dụng cán bộ công chức chưa hiệu quả.

Tại sao chúng ta khẳng định tinh gọn bộ máy hành chính cấp huyện và phường, xã là đúng? Vì sắp xếp mục tiêu chính là tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước. Tinh gọn nhưng hoạt động hành chính, tức sự đòi hỏi giải quyết các công việc hành chính phục vụ người dân và DN, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vẫn phải đạt được hiệu quả. Đối với Thừa Thiên Huế, không sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện mà chỉ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh cũng tiến hành song song với việc sắp xếp xã là thôn, tổ dân phố (sau đây gọi tắt là thôn). Thôn được hiểu không phải là một cấp hành chính, chỉ là cánh tay nối dài của phường, xã để thực hiện một số nhiệm vụ quản lý hành chính. Như vậy, có thể hiểu, việc sắp xếp ở Thừa Thiên Huế về cơ bản là sắp xếp lại đơn vị hành chính ở khu vực nông thôn.

Qua đánh giá chung, bộ mặt vùng nông thôn có nhiều đổi thay, kinh tế – xã hội ở vùng nông thôn phát triển. Chúng ta cứ nhìn qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thì biết. Tại hội nghị triển khai Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 -2025 diễn ra trong tháng 8 vừa qua, những số liệu được nêu ra cho thấy: đến nay, toàn tỉnh có đến 64 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí của chuẩn NTM (trong đó bao gồm nhiều tiêu chí ở lĩnh vực kinh tế và văn hóa). Thị xã Hương Thủy và huyện Quảng Điền đạt chuẩn huyện NTM. Tại hội nghị này cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 87,2% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 41,5% đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Đương nhiên đã NTM nâng cao thì chuẩn phải khác NTM “bình thường”. Ví dụ tiêu chí về thu nhập, năm 2022, thu nhập bình quân người dân là 58 triệu đồng/người trở lên. Thừa Thiên Huế thuộc vùng Bắc Trung bộ là 47 triệu đồng trở lên. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người phải đạt 1,5 lần so với năm 2020, tức là tăng 50%. Nói dễ hiểu là năm 2020, trung bình một người ở vùng NTM nâng cao thu nhập 47 triệu đồng thì đến năm 2025 phải tăng thêm 26,5 triệu nữa, tức là gần 72 triệu đồng một năm.

Nếu bộ máy hành chính, đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi trọng tâm sắp xếp đơn vị hành chính, nếu hoạt động không tốt thì chắc hẳn chúng ta đã không đề ra mục tiêu như nêu trên!

Bài: NGUYÊN LÊ – Ảnh: HT

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …