“Giấc mơ” thoát lũ cho vùng trũng

Hệ thống kênh, hói Phổ Lợi, Mộc Hàn, Phú Khê đang triển khai thi công

Hàng năm, công tác ứng phó thiên tai, lũ lụt ở xã Phú Dương (TP. Huế) thường được triển khai khá sớm với những kế hoạch, “kịch bản” chặt chẽ được triển khai về ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các thôn. Bởi lẽ, đây là vùng thấp trũng với khoảng 3.000 hộ dân tập trung dọc tuyến Quốc lộ 49 với địa hình nhiều kênh, hói và ruộng thấp trũng. Những trận mưa lũ vừa qua đã để lại trong ký ức người dân vùng trũng Phú Dương không mấy đẹp đẽ khi hàng loạt nhà cửa bị ngập, hoa màu úng, lũ cuốn trôi.

Ông Hồ Đại Hiếu, Trưởng thôn Phú Khê, xã Phú Dương bảo rằng, cứ bước vào tháng 10, 11 hàng năm, các thôn nằm bên tả Quốc lộ 49 lại thấp thỏm lo lắng vì lũ lụt. Hệ thống kênh, hói Phổ Lợi, Mộc Hàn, Phú Khê vốn được đào đắp từ lâu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua thời gian đã sạt lở, bồi lắng, ô nhiễm. Lũ về, bèo, lau lách cứ ùn ứ, không chảy về biển được nên nước ngập thôn xóm rất nhanh. Các tuyến đường quanh các sông, hói này với bề ngang mặt đường chỉ từ 2-3m, cốt nền thấp gây khó khăn, nguy hiểm cho công tác di dời, cứu hộ cứu nạn trong tình huống cần thiết.

“Trận lũ cuối năm 2020, anh em nằm trong ban chỉ huy phải về từng hộ dân mà “canh” nước, rồi chuẩn bị phương án, vật tư di dời. Địa phương thuộc thành phố, kết nối với hệ thống đô thị thông minh nên cũng hiệu quả hơn trong công tác cứu hộ cứu nạn khi cần thiết”, ông Hiếu cho biết.

Chủ tịch UBND xã Phú Dương Võ Quốc Hiền thông tin, công tác ứng phó thiên tai hàng năm được địa phương chú trọng. Xã quán triệt các thôn trên địa bàn chủ động triển khai phương án phòng, chống lũ, lụt đến tận từng hộ gia đình trong thôn. Khi có lũ xảy ra phải triển khai kịp thời phương án, nắm chắc các hộ dân, số người, nơi đi, nơi đến, khẩn cấp sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, tham mưu UBND xã bố trí nơi ở cho dân theo phương án đã xây dựng, tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn, cũng như phương án cứu hộ, cứu trợ nhằm đảm bảo không để dân bị đói, rét và luôn giữ vững thông tin liên lạc thống nhất cho việc chỉ huy phòng, chống thiên tai.

Theo ông Võ Quốc Hiền, sau một năm được sáp nhập vào thành phố, nhiều DA với các hạng mục hạ tầng như nâng cấp mặt đường đoạn thấp trũng ứng phó lũ lụt tại tuyến Quốc lộ 49 với xây mới hệ thống cống thoát nước; hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi – Mộc Hàn – Phú Khê; chuẩn bị triển khai hệ thống đèn chiếu sáng trên địa bàn… góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng đời sống người dân nhờ việc chỉnh trang môi trường, giúp tiêu thoát lũ và hình thành tuyến đường đi bộ từ phía xã Phú Mậu về tới khu vực Thuận An giúp phát triển du lịch, đặc biệt là phục vụ khách tham quan khu vực Nhà lưu niệm Bác Hồ ở thôn Dương Nỗ.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng (TP. Huế) cho biết, hói Mộc Hàn, sông Phổ Lợi chảy qua địa bàn xã trên chiều dài khoảng 4km. Trong đó, hói Mộc Hàn một số đoạn đã được xây dựng kè, còn lại hiện trạng đang xuống cấp, nhếch nhác. Riêng tuyến sông Phổ Lợi dọc theo Quốc lộ 49 hiện nhiều đoạn đã bị bồi lấp, rều rác ứ đọng, nhà lấn ra mặt sông gây ách tắc dòng chảy.

“Hàng năm, phường phải bỏ kinh phí từ ngân sách khoảng 150 triệu đồng trong việc xử lý bèo trên mặt sông. Tuy nhiên, không xử lý dứt điểm được vì bèo sinh sôi lại rất nhanh. Sông, hói bị bồi lấn khiến việc tiêu thoát lũ trong khu vực dân cư của địa bàn phường một số nơi bị hạn chế, gây tình trạng ngập cục bộ khi có mưa lớn”, ông Toàn cho hay.

Ông Đặng Ngọc Quốc An, Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh – chủ đầu tư DA hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi – Mộc Hàn – Phú Khê khẳng định, các hạng mục công trình đến cuối năm 2022 này sẽ hoàn thành 70% giá trị hợp đồng. Trong đó sẽ xây mới 2 cầu trên tuyến và nâng cấp mặt đường dọc kênh hói lên 5m.

Khi DA hoàn thành sẽ khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, giảm thời gian ngập úng kéo dài trong khu dân cư, vùng sản xuất thuộc các phường, xã Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương; chống sạt lở bờ những đoạn xung yếu bảo vệ nhà cửa, đất sản xuất và cơ sở hạ tầng dọc hai bên sông và hói; khơi thông dòng chảy, tạo cảnh quan môi trường khu vực, thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch sinh thái.

Ngoài ra, DA sẽ đáp ứng nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và giao thông thủy nội địa trong vùng, giảm tối đa ảnh hưởng của dòng chảy lũ cho hơn 300ha vùng nuôi trồng thủy sản trên đầm phá dọc hai bên tuyến thủy đạo sau cống Diên Trường và tạo thành tuyến đường đi xe đạp từ thành phố Huế về phường Thuận An nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch.

“Trong quá trình triển khai DA, chủ đầu tư được sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của địa phương cũng như sự ủng hộ của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ dân tự nguyện chặt cây, giao mặt bằng sạch trước cho đơn vị thi công. Do công tác giải phóng mặt bằng triển khai nhanh, tiến độ thi công các hạng mục cũng được đảm bảo”, ông An cho biết thêm.

Hiện, TP. Huế đã phê duyệt chủ trương và chuẩn bị triển khai DA điện chiếu sáng một số tuyến đường từ trung tâm thành phố kết nối về các xã, phường mới sáp nhập, bao gồm các tuyến đường dọc sông Hương từ Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu về đến cầu Diên Trường, ngược lên xã Hương Vinh đến trung tâm thành phố. Riêng xã Hải Dương sẽ đầu tư hệ thống điện chiếu sáng cả tuyến trung tâm đoạn từ giáp ranh xã Quảng Công đến cửa biển Thuận An… với tổng mức đầu tư khoảng 18 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …