Vẻ đẹp và sự trong lành của biển Hàm Rồng là yếu tố hấp dẫn du khách
Lý do là bởi cảnh sắc nơi đây rất hữu tình. Biển sạch đẹp, nên thơ. Thức ăn tươi ngon. Thái độ phục vụ chân chất, tận tình. Thêm nữa, sau khi nghỉ ngơi, tắm táp thỏa thích, buổi chiều trên đường trở về còn có thể ghé chợ Vinh Thanh để chọn mua các loại nông, thủy, hải sản tươi ngon tận gốc… Với dân phố thị, trải nghiệm ấy không gì thích bằng.
Bẵng đi một thời gian, nhất là mọi thứ gần như bị “đóng băng” bởi dịch bệnh kéo dài, hè này, chúng tôi mới có dịp về lại Hàm Rồng trong niềm hân hoan háo hức như thường vẫn vậy. Đường từ Huế qua cầu Trường Hà gió lộng, rẽ Quốc lộ 49B phẳng phiu đẹp đẽ với nhà cửa, quán xá, cây xăng, chợ búa rộn ràng, sầm uất. So với trước khi những cây cầu vượt phá Trường Hà, Vinh Hiền được hoàn tất đưa vào sử dụng, tất cả đều đã đổi thay một trời một vực.
Hàm Rồng thân yêu đây rồi. Con đường bên trái nối Quốc lộ 49B ra biển bây giờ đã được phát dọn, mở rộng, dễ lưu thông hơn trước rất nhiều. Xe chạy chỉ một quãng, biển trời lồng lộng, ngát xanh đã vỡ òa trước mắt, quyến rũ và đầy mời gọi. Không thể “bình tĩnh” lâu hơn được nữa, mấy anh em nam giới đã tiên phong… “thoát y”, đánh mỗi cái quần cộc, khởi động chút chút rồi ùa vào lòng biển. Bao nhiêu cái mệt nhọc, bao nhiêu cái nóng nực ngày hè thoáng chốc tan biến đâu cả.
Vẫy vùng một hồi, chợt nhận ra Hàm Rồng có cái gì đó khang khác so với trước kia. Hình như bờ biển bây giờ dốc và sâu hơn trước thì phải. Sợ cảm nhận của mình không chính xác, tôi quay hỏi mọi người trong đoàn, ai cũng có cùng nhận xét như vậy. Ông anh rể tôi, một thủy thủ tàu biển lâu năm vừa hồi hưu cảnh báo: Phải để ý cẩn thận mấy đứa trẻ con, sóng to, biển sâu thế này, sơ xẩy là không trở tay kịp. Cảnh báo của anh rể khiến không khí hơi chùng xuống. Mọi người xích lại tắm gần nhau chứ không thoải mái tản mát bơi lặn như mọi lần nữa.
Tắm biển thì nhanh đói, chúng tôi ới nhau trở lại quán hàng nơi mình đặt món. Đó là quán hàng mà gia đình tôi thủy chung xưa nay, từ lúc sơ ngộ Hàm Rồng cho đến năm hè 2022 này. Quán hàng được đầu tư mở rộng hơn so với trước, tạo thêm ghế, võng, bài trí hoa lá cành… cho khách check-in với biển. Có điều món ăn thì không hiểu sao lại hơi nghèo và kém tươi ngon hơn trước. Cái món ốc cay dân dã nhưng là đặc sản tự nhiên đã tuyệt bóng thì có thể hiểu được bởi không ai nuôi, không ai nhân giống mà người tìm ăn thì… hơi nhiều. Nhưng còn những món hải sản khác, như con sò méo giản đơn, về ăn tận biển mà trong đoàn có vài người xui xẻo phải nhăn mặt chê… hôi vì gặp phải những con sò ươn thì quả là hơi buồn. Lại nữa, biển xa, chưa phát triển nhiều nhưng rác thì có vẻ như không được thường xuyên nhắc nhở, quản lý nên vương vãi, lộ thiên nhiều nơi, dễ gây mất thiện cảm. Quan trọng hơn là bãi tắm đang trở nên dốc và sâu hơn, nhưng không thấy có phao, cờ cảnh báo, cứu hộ cứu nạn cũng không thấy người nào. Hay là chúng tôi về gặp ngày nghỉ đột xuất của đội ngũ cứu hộ cứu nạn? Tôi thoáng nghĩ và mong đúng là như thế…
Biển sâu biển cạn là do biến chuyển của tự nhiên, không tùy thuộc ý chí con người. Nhưng cảnh báo, cứu nạn nhằm hạn chế, không để xảy ra rủi ro là điều mà con người hoàn toàn có thể chủ động. Tương tự, có hoạt động thì phải có rác, nhưng nếu có nhắc nhở, có ý thức thì rác sẽ được quản lý, không gây tổn hại môi trường cảnh quan và cả không để nảy sinh thành cái nếp bạ đâu xả đấy, rất dở và rất nguy hại về sau. Cũng như thế, các quán ăn, nhà hàng cần đồng tâm cam kết, quyết đảm bảo chất lượng ẩm thực, xem đó là “then chốt” của thế mạnh vùng biển quê hương. Đắt, rẻ chưa nói, nhưng người ta đã bỏ qua nhiều vùng biển gần, chấp nhận chọn một cung đường xa ngái hơn hẳn để về mà lại được Hàm Rồng đón tiếp bằng những món ăn kém tươi thì quả là rất kém bền vững cho sự phát triển.
Bài, ảnh: Huy Khánh