Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương

Xác định công tác TCD, giải quyết KN, TC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, UBND tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác TCD gắn với giải quyết KN, TC và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thưa ông, Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KN, TC có gắn trách nhiệm của người đứng đầu vào công tác này. Tại Thừa Thiên Huế, công tác TCD, giải quyết KN, TC thời gian qua được các cấp, các ngành triển khai như thế nào?

Thời gian qua, Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc chế độ TCD thường xuyên, định kỳ và đột xuất theo Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KN, TC, đạt được những chuyển biến tích cực.

Công tác TCD, xử lý đơn thư và giải quyết KN, TC luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng công tác TCD, xử lý đơn thư và giải quyết KN, TC. Đặc biệt, người đứng đầu các cấp đã trực tiếp gặp gỡ và đối thoại với công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, KN, TC của công dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (bên phải) tiếp thu ý kiến và giải thích cho công dân hiểu tại một buổi tiếp công dân

Để làm tốt công tác TCD, tỉnh quan tâm bố trí cơ sở vật chất TCD cấp tỉnh, đồng thời chỉ đạo cấp huyện trang bị phương tiện tương thích nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tốt cho công tác TCD. Ví dụ như đợt dịch COVID-19 xảy ra, việc TCD của lãnh đạo tỉnh được kết nối đến các địa phương, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia đầy đủ mà không cần phải đến trực tiếp tại trụ sở TCD, không làm gián đoạn công tác TCD định kỳ.

Với vai trò là người đứng đầu chính quyền tỉnh, xin ông cho biết công tác TCD và giải quyết KN, TC được ông thực hiện ra sao?

Với vai trò là người đứng đầu chính quyền tỉnh, tôi luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TCD, giải quyết đơn thư KN, TC; thường xuyên tổ chức nghe các địa phương và các sở, ban, ngành báo cáo những vụ việc KN phức tạp, kéo dài, những vụ việc còn nhiều vướng mắc để kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Nhiều vụ việc đã được Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp xuống địa bàn xem xét thực địa và tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân nhằm đạt kết quả cao nhất.

Qua thực tiễn công tác TCD, giải quyết KN, TC cho thấy, tầm quan trọng của việc TCD là bước đầu, khi làm tốt thì hạn chế KN, TC phát sinh, hạn chế được cơ bản vấn đề bức xúc, phức tạp, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, củng cố niềm tin của Nhân dân vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tôi khẳng định đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị chứ không phải công việc riêng của mỗi đơn vị, địa phương. Thẩm quyền trách nhiệm của cấp nào thì phải giải quyết đến cùng, chấm dứt việc chuyển đơn qua nhiều cấp, không đúng địa chỉ, không đúng quy định và đảm bảo đúng thời gian quy định của Luật KN, Luật TC.

Vậy, đã có vụ việc nào thông qua công tác TCD mà công dân tự nguyện rút đơn không, thưa ông?

Qua công tác TCD, lãnh đạo các cấp, các ngành đã tiếp nhận đơn, tiếp thu và ghi nhận những KN, TC, kiến nghị, phản ánh của công dân để xem xét, giải quyết, trả lời theo thẩm quyền hoặc hướng dẫn công dân đến đúng cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Đồng thời, chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương tăng cường đối thoại với công dân để giải thích, trả lời những bức xúc, vướng mắc, kịp thời giải quyết các vụ việc KN, TC theo quy định của pháp luật. Tại các buổi TCD định kỳ, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành ban hành thông báo kết luận để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền có văn bản trả lời hoặc chỉ đạo UBND các cấp, các ngành liên quan xem xét, giải quyết, trả lời các KN, TC, phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền theo quy định.

Thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh, người đứng đầu các cấp, các ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để công tác TCD ngày một hoàn thiện và bài bản hơn. UBND tỉnh đã chú trọng tuyên truyền phổ biến, xây dựng kiện toàn đội ngũ công chức, bồi dưỡng nâng cao trình độ đạo đức trách nhiệm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để tổ chức tốt công tác TCD định kỳ tại trụ sở TCD của tỉnh, của các cấp, các ngành.

Do đó, số đơn thư KN, TC, các vụ khiếu nại đông người có chiều hướng giảm, đáng chú ý là tỷ lệ công dân rút đơn thông qua đối thoại chiếm tỷ lệ cao (68% cấp tỉnh và trên 40% cấp huyện).

Kinh nghiệm rút ra trong công tác TCD và giải quyết KN, TC của tỉnh là gì, thưa ông?

Thực tế, qua các buổi TCD, UBND tỉnh sẽ rút kinh nghiệm ngay, có hướng giải quyết thích đáng thông qua ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đã có nhiều vụ việc KN, TC được người đứng đầu xem xét, giải quyết ngay tại buổi TCD hoặc chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả để người đứng đầu biết, theo dõi, chỉ đạo. Kết quả xử lý cũng được các cơ quan báo chí, truyền thông kịp thời thông tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, góp phần định hướng thông tin dư luận và giúp việc xử lý KN, TC của công dân hiệu quả hơn.

Để làm tốt hơn nữa công tác TCD, giải quyết KN, TC, thời gian tới các cấp, các ngành cần làm tốt điều gì?

Dự báo trong thời gian đến, tình hình khiếu kiện phức tạp có khả năng tiếp tục phát sinh trên địa bàn liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, nếu không tập trung chỉ đạo, giải quyết sẽ có chiều hướng khiếu kiện đông người, phức tạp. Do vậy, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo UBND các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm hạn chế những bức xúc của người dân dẫn đến KN, TC góp phần thực hiện tốt các dự án, ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

Có thể khẳng định, công tác TCD, đối thoại giải quyết KN, TC của người đứng đầu thời gian qua đã làm hạn chế được rất nhiều các vụ, việc KN phức tạp, đông người, kéo dài; không làm phát sinh thêm những vụ việc mới. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên, góp phần tích cực đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các cấp, các ngành đã tiếp 1.172 lượt với 792 người. Trong đó, UBND tỉnh tiếp 87 lượt với 126 người; sở, ngành tiếp 276 lượt với 33 người; cấp huyện tiếp 809 lượt với 633 người. Nội dung TCD chủ yếu phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tranh chấp đất đai; cấp giấy phép xây dựng nhà ở…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

THÁI BÌNH (Thực hiện)

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …