“Du hành” về triều Nguyễn bằng công nghệ CGI

Tạo tác nên cây cối, cảnh quan bằng công nghệ CGI

Vun đắp giấc mơ

Cách đây 15 năm, với Minh Luân, CGI là giấc mơ khá xa vời. Thời điểm ấy, dù công nghệ CGI (Computer Generated Imagery – tạm dịch mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) không còn xa lạ với các fan của những bộ phim bom tấn nhưng ở Việt Nam, vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ. Anh nhớ lại: “Với mình, những hình ảnh được tạo ra từ đồ họa máy tính có sức hấp dẫn kỳ lạ. Lúc đó, quyết định khăn gói rời thủ phủ miền Nam lên đường sang Trường ĐH Nghệ thuật Lasalle (Singapore) của mình bị phản đối, cười chê. Nhưng không vì thế mình từ bỏ giấc mơ chinh phục lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh”.

Sau những tháng ngày rèn giũa, Minh Luân làm việc ở lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình rồi tiếp tục thi lấy bằng kỹ xảo. 13 năm ở Singapore, 2 năm ở Australia, tổng cộng 15 năm của anh là những tháng ngày học tập và làm việc cật lực. Với hơn 5 năm làm việc cho công ty kỹ xảo Double Negative, anh bắt đầu được biết đến khi liên tục ghi dấu ấn trong các phim bom tấn, như Harry Potter và Bảo bối tử thần, Fast & Furious, Thor (phần 2 – 3), Godzilla…

“Sau nhiều năm bôn ba xứ người, mình vẫn muốn làm một chút gì đó với kỹ năng và công sức của bản thân, để khi nhắc đến cội nguồn văn hóa, nơi chôn nhau cắt rốn, mình sẽ tự hào vì đã cố gắng phát triển một hướng đi mới, một trải nghiệm mới”, anh bộc bạch. Để hoàn thiện giấc mơ, Minh Luân quay trở về Việt Nam. Với chuyên môn dùng công nghệ, kỹ xảo để tạo tác nên những cảnh vật, chi tiết chân thực nhất, công nghệ CGI đã giúp anh hoàn thiện “Cố du”, một sản phẩm phim của riêng mình.

Một thời vang bóng

Đây là dự án cá nhân đầu tiên mà chàng trai 8X thực hiện sau khi trở về quê hương. Tác phẩm là những thước phim sử dụng công nghệ CGI để tái hiện khung cảnh, đồ vật bị tàn phai qua năm tháng, làm sống lại một phần cuộc sống hàng ngày của quý tộc nhà Nguyễn.

Lặn lội đến Huế và nhiều nơi khác để học hỏi, anh cho biết: “Là dự án liên quan đến lịch sử, văn hóa nên những chuyến đi và tìm hiểu tư liệu rất cần thiết. Không chỉ để nghe, nhìn, mình còn cảm nhận nhiều hơn về chiều sâu, những giá trị văn hóa một thời , nhất là các di tích, kiến trúc, đền đài của Huế”.

Không chỉ tự bỏ kinh phí hơn nửa tỷ đồng, chàng trai 8X còn tỉ mỉ trong 10 tháng ròng để xử lý hậu kỳ cho phim. Từ những chi tiết nhỏ như đồ trang trí, câu đối, hoành phi đến việc setup ánh sáng, xử lý lỗi phông xanh, mỗi cảnh quan đều được anh kỳ công trau chuốt. Sau gần một năm thực hiện, “đứa con” tinh thần kéo dài 300 giây của anh thành hình.

Mong muốn người xem cảm nhận được những cảm xúc chân thực nhất, phim không hề sử dụng lời thoại. Cái hay, cái đẹp của bộ phim được phô diễn hết sức tinh tế bởi sự đồng điệu của bối cảnh lẫn nét diễn chân thật của diễn viên. Sức lay động của âm nhạc, tiếng rót nước, tiếng chuông ngân, hình ảnh lồng đèn trên tường đến việc vấn khăn mặc cổ phục Huế, tất cả chi tiết đã tái hiện lát cắt về cuộc sống của quý tộc nhà Nguyễn một cách chỉn chu, tỉ mỉ và giàu cảm xúc.

Nguyễn Phùng Minh Luân còn kết hợp với La Quốc Bảo, một bạn trẻ có chung niềm đam mê để nghiên cứu về văn hóa, cổ phục Việt Nam. Anh chia sẻ: Đó là “Hoa Quan Lệ Phục”, chuỗi dự án tái hiện lễ phục triều Nguyễn đầy tâm huyết mà mình và La Quốc Bảo đang thực hiện. Chúng mình đã giới thiệu tác phẩm đầu tay lấy cảm hứng từ bộ lễ phục của Nam Phương hoàng hậu, đây là bộ lễ phục đầu tiên bà mặc trong lễ đại hôn cùng hoàng đế Bảo Đại vào năm 1934. Mình hy vọng có thể tái hiện, phục dựng các giá trị truyền thống cũng như truyền tình yêu văn hóa, nguồn cội đến các bạn trẻ.

Bài: Mai Huế

Ảnh: Nhân vật cung cấp

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …