Dược sĩ Đoàn Chí Thanh – thành viên Hội Thầy thuốc Tình nguyện Huế tranh thủ thời gian buổi tối gọi điện tư vấn cho một ca F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tận tình và nhiệt huyết
Tranh thủ thời gian rảnh buổi tối, vừa tiếp chuyện với tôi, dược sĩ trẻ Trần Thị Quỳnh Như vừa kiểm tra thông tin của những ca F0 được chuyển về từ các cơ sở y tế để tư vấn trong ngày. Chị kể: “Ca đầu tiên mà mình nhận tư vấn và theo dõi sức khỏe ngay khi mới tham gia hội đó là trường hợp bệnh nhân có thai 19 tháng với những biểu hiện sốt, nghẹt mũi, mất ngủ. Ca F0 này ban đầu rất hoang mang, lo lắng bởi sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Sau khi được mình trấn an tinh thần và theo dõi sức khỏe, sau một thời gian ngắn, bệnh nhân dần hồi phục, các triệu chứng giảm và test nhanh âm tính”.
Tương tự, dược sĩ trẻ Đoàn Chí Thanh cũng tham gia hội ngay từ khi mới thành lập. Trung bình một ngày, anh Thanh tư vấn cho 8 ca F0 đang cách ly và điều trị tại nhà. Anh Thanh chia sẻ: “Hằng ngày, mình phải đi làm từ 7h sáng đến 5h chiều, tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi buổi trưa hoặc buổi tối, mình liên lạc với các bệnh nhân F0 đã được phân công, sau đó kết nối với họ thông qua zalo để tiện cho việc tư vấn và trao đổi về tình trạng sức khỏe”.
“Có những ca F0 sau khi khỏi bệnh đã giới thiệu cho những bệnh nhân khác về hội. Từ đó, hội được nhiều người biết đến hơn và bắt đầu có những ca F0 đã chủ động liên hệ với hội để được tư vấn. Tuy chỉ là những hành động nhỏ giúp bệnh nhân yên tâm trong quá trình điều trị bệnh nhưng nhận lại là những tình cảm, lời cảm ơn từ những ca F0, mình cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục đồng hành cùng hội, chung tay góp sức đẩy lùi dịch COVID-19”, anh Thành nói.
Chị Nguyễn Hồng Đ., ca F0 đang sinh sống tại phường Vĩnh Ninh, cho biết: “Gia đình mình 4 người F0, trong đó có trẻ em và người già có bệnh nền cao huyết áp. Lúc đầu mình rất lo lắng bởi không có kinh nghiệm trong việc điều trị. Nhờ có DS. Thanh và Hội Thầy thuốc Tình nguyện quan tâm, nhiệt tình tư vấn và hỗ trợ mà sức khỏe gia đình mình đã dần ổn định. Ngoài việc tư vấn về thuốc, cách điều trị, DS. Thanh còn hướng dẫn cách hít thở, bổ sung chế độ dinh dưỡng và vitamin C để có thêm sức đề kháng, nhờ đó mình và gia đình cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều”.
Phụng sự
Hiện tại, Hội Thầy thuốc tình nguyện Huế đã có hơn 100 tình nguyện viên là các y, bác sĩ, dược sĩ, người trong ngành y tế đã nghỉ hưu và các sinh viên đang học tập, làm việc tại các trường, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Dù mỗi người đều bận rộn công việc riêng nhưng hằng ngày họ vẫn dành thời gian để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, giúp đỡ các bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà.
HTTTN được thành lập với mục tiêu ban đầu giảm nguy cơ chuyển biến thành bệnh nặng phải nhập viện và giảm tử vong đồng thời làm giảm áp lực của nhân viên y tế cơ sở, tiếp sức cho ngành y tế, góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19. Trung bình, hội tư vấn và theo dõi sức khỏe cho hơn 300 ca F0 mỗi ngày. Hội còn kê đơn cấp thuốc, tư vấn tâm lý cho F0 và người nhà; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho F0 và gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
ThS. BS. Trần Thị Huệ, Quản lý Hội Thầy thuốc tình nguyện Huế chia sẻ: “Sau hơn 2 tháng thành lập, HTTTN đã và đang thực hiện tốt vai trò là những người tư vấn, hỗ trợ cho các ca F0 điều trị tại nhà. Hơn thế, Hội cũng đã cung cấp hơn 75 suất quà cho bệnh nhân khó khăn và gần 500 gói thuốc A, 150 máy đo nồng độ oxy trong máu SPO2 cho 36 trạm y tế phường trên địa bàn TP. Huế. HTTTN sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ về mặt tinh thần để các bệnh nhân F0 yên tâm và không cảm thấy đơn độc trong quá trình điều trị bệnh”.
“Không chỉ hỗ trợ F0 tư vấn điều trị tại nhà, thời gian tới, HTTTN hướng đến theo dõi, chăm sóc và tư vấn cho những ca có triệu chứng hậu COVID-19; sau đó sẽ triển khai tư vấn, khám, chữa bệnh thông thường, có hội chẩn bằng hình thức trực tuyến (ưu tiên người nghèo và vùng sâu, vùng xa) để giảm áp lực cho các cơ sở y tế tại địa phương, góp phần chung tay bảo vệ sức khoẻ cộng đồng”, ThS. BS. Huệ cho hay.
Châu Thái