Càng gần đến cuối năm, số doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ, cắt giảm lao động… ngày càng nhiều. Điều này, không còn là chuyện riêng của doanh nghiệp, người lao động mà đã trở thành vấn đề của đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề.
Tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất đã được dự báo từ cuối quý 2, đầu quý 3 năm 2022, khi đó dù tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang phát triển khá tốt, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao. Điều này đã trở thành hiện thực, khi cuối quý 3 bắt đầu xuất hiện tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng ở các khu công nghiệp phía Nam và đến nay lan rộng ra cả nước, kéo giảm quá trình phục hồi, phát triển kinh tế và tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội của nước ta.
Ngay ở Thừa Thiên Huế, lúc đầu chỉ vài doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực dệt may, sản xuất chế biến gỗ giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ, bố trí công nhân nghỉ phép luân phiên để ứng phó với tình trạng giảm sút đơn hàng. Nay tình trạng này tác động nhiều ngành sản xuất khác, mức độ cũng tăng, không chỉ giảm giờ làm mà người lao động còn bị cắt hợp đồng lao động, khiến người lao động trở tay không kịp. Tôi có quen một thanh niên trẻ làm việc ở một doanh nghiệp may ở khu công nghiệp Phú Bài, tuy doanh nghiệp không chấm dứt hợp đồng, nhưng do công việc ít, thời gian nghỉ nhiều, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên nghỉ việc ở nhà phụ bán hàng cho gia đình. Đa phần những trường hợp như vậy là người trẻ, thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội ngắn nên họ sẵn sàng bỏ việc, tìm kiếm cơ hội làm việc mới để đảm bảo cuộc sống…
Nguyên nhân của tình trạng trên đã được các chuyên gia kinh tế chỉ rõ. Đó là do tác động của cuộc xung đột Nga – Ucraine khiến giá nhiên liệu tăng cao kéo theo lạm phát ở các nước châu Âu tăng mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu khiến sức mua của thị trường giảm sâu. Kèm theo đó là các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tiền tệ của các nước, nhất là Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất khiến tỷ giá đồng USD tăng mạnh so với đồng nội tệ của các quốc gia, đẩy chi phí sản xuất hàng hóa tăng cao. Điều này khiến các doanh nghiệp đã khó vì thiếu đơn hàng, nay lại thêm sức ép tỷ giá, lãi suất khiến chi phí sản xuất tăng cao. Theo dự báo, tình hình thiếu đơn hàng còn kéo dài đến hết quý 1 năm 2023.
Trong khó khăn kép đó, doanh nghiệp khó thể tự bơi để vượt khó và người lao động cũng không thể một sớm một chiều chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm được việc làm, trong khi tết đã cận kề. Vì vậy, cần có sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn trước mắt, chuẩn bị nội lực đón cơ hội phục hồi khi thị trường thuận lợi hơn.
Khi doanh nghiệp thiếu đơn hàng, chịu tác động bất lợi kép từ thị trường và lãi suất, rất cần sự trợ lực từ các gói hỗ trợ của Chính phủ. Trước mắt, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận gói hỗ trợ phục hồi phát triển sau đại dịch, nhất là gói hỗ trợ 2% lãi suất để duy trì sản xuất và trả lương cho người lao động. Với các ngành liên quan cũng cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, người lao động như tạm hoãn nộp bảo hiểm xã hội, miễn giảm phí công đoàn, kết nối cung cầu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động, đẩy mạnh an sinh xã hội…
Về phía doanh nghiệp, khó khăn trước mắt là rất lớn, nhưng đây cũng là cơ hội, động lực để đổi mới quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, tăng dự trữ rủi ro; tranh thủ thời gian để bảo trì thiết bị, máy móc nhà xưởng, đào tạo nâng cao tay nghề, giữ chân người lao động… để sẵn sàng đón các đơn hàng mới, khi dự báo khó khăn chỉ là ngắn hạn và thị trường sẽ bùng nổ nhờ sức mua tăng mạnh sau thời gian dài bị kìm nén.
Hoàng Minh